Viêm bờ mi và những điều không phải ai cũng biết
Mi mắt có vai trò quan trọng trong thẩm mĩ và chức năng của mắt, mi mắt vừa che phủ nhãn cầu, có vai trò tạo nên màng phim nước mắt. Viêm bờ mi vừa gây khó chịu cho người bệnh, vừa ảnh hưởng đến thẩm mĩ của người bệnh và có thể ảnh hưởng đến chức năng của mắt. Chúng ta sẽ điểm lại những nguyên nhân của viêm bờ mi và những ảnh hưởng có thể gặp phải của bệnh cũng như cách điều trị, chăm sóc đối với bờ mi.
Table of Contents
1. Viêm bờ mi là gì?
Định nghĩa:
Viêm bờ mi là tình trạng viêm cấp hoặc viêm mạn tính của bờ mi. Dấu hiệu cơ năng và thực thể của viêm bờ mi bao gồm ngưa, cảm giác bỏng rát kèm theo đỏ và sưng bờ mi, bờ mi có thể phù hoặc có những nốt nhỏ hoặc vảy tiết ở bờ mi.
– Viêm bờ mi cấp tính thường do vi khuẩn (hay gặp do tụ cầu vàng) ở chân lông mi, các nang lông và các lỗ tuyến Meibomius cũng có thể bị viêm. Ngoài ra có thể gặp viêm bờ mi do virus như virus herpes, hoặc viêm bờ mi phối hợp do nấm và vi khuẩn.
– Viêm bờ mi do các phản ứng dị ưng như viêm da dị ưng, viêm kết mạc và viêm bờ mi dị ứng hoặc quá mẫn do dị ứng
Loại bệnh mạn tính, đôi khi rất khó điều trị, nếu không được chữa trị đúng cách có thể dẫn đến ảnh hưởng chức năng của bề mặt nhãn cầu:
– Viêm bờ mi mạn tính là tình trạng viêm thường không do nhiễm trùng và không rõ nguyên nhân. Hay gặp do rối loạn chức năng tuyến Meibomius như bất thường thành phần lipit, các ống dẫn cũng như lỗ tuyến trở nên đặc lại, tắc nghẽn bởi các nút chất tiết cứng dạng sáp. Bệnh thường gặp ở những bệnh nhân bị trứng cá đỏ hay chắp lẹo tái phát nhiều lần, nhiễm trùng thứ phát có thể gặp trên các mảng vảy đóng trên bờ mi, ở tuyến meibomius. Trên những người bệnh có rối loạn chức năng tuyến meibomius hay viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn thường dẫn đến khô mắt
2. Nguyên nhân
– Vi khuẩn quá nhiều ở mí mắt
– Do virus
– Nấm
– Cơ địa mụn trứng cá đỏ
– Rối loạn chức năng tuyến Meibomian, viêm bờ mi tăng tiết tuyến bã nhờn
3. Viêm bờ mi có mấy loại?
Theo giải phẫu của mi có thể chia viêm bờ mi là viêm bờ mi trước và viêm bờ mi sau.
4. Viêm bờ mi có thể ảnh hưởng đến đôi mắt của bạn như thế nào? Có những triệu chứng cơ năng gì?
Các triệu chứng cơ năng phổ biến ở tất cả các dạng viêm bờ mi bao gồm ngứa, bỏng rát mi mắt, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, cảm giác côm mắt.
– Khô mắt: là tình trạng khô của kết giác mạc do thiếu nước mắt thường cả ở hai mắt.
– Tổn thương giác mạc: tổn thương giác mạc tùy mức độ, thường là tổn thương biểu mô giác mạc, tình trạng tổn thương giác mạc vừa do viêm bờ mi, vừa do tình trạng khô mắt.
– Đỏ mắt mãn tính: đỏ mắt và mi mắt
– Chắp, lẹo mắt: có thể bị chắp lẹo mạn tính. Chú ý ở người lớn tuổi, nếu tình trạng chắp lẹo tái phát nhanh sau khi chích kèm theo dấu hiệu rụng lông mi cần đi khám chuyên khoa mắt ngay để phát hiện sớm các khối u ở mi mắt có thể gây nhầm lẫn với chắp.
5. Điều trị
– Thuốc nhỏ mắt: sử dụng các thuốc điều trị khô mắt, nước mắt nhân tạo, tốt nhất là xác định được nguyên nhân của tình trạng khô mắt, tình trạng của nước mắt để có phác đồ điều trị phù hợp. Trong trường hợp viêm bờ mi không nhiễm trùng mà sử dụng các biện pháp chườm ấm và vệ sinh mi không đỡ thì có thể dùng thuốc có corticoid bôi tại chỗ trong vòng 7 ngày.
– Thuốc điều trị nhiễm trùng: sử dụng các thuốc điều trị theo nguyên nhân. Nếu viêm bờ mi do tụ cầu thì dùng thuốc điều trị tụ cầu như nhóm kháng sinh quinolon tra mắt thế hệ thứ 4 (Vigamox). Nếu viêm bờ mi do nấm hoặc do virus thì sử dụng các thuốc điều trị nấm, điều trị virus. Có thể sử dụng thuốc uống nhóm Tetracycline (như Doxycyclin 100 mg uống rồi giảm liều dần từ 3 đến 4 tháng cũng có thẻ hiệu quả vì thuốc làm thay đổi thành phần chất tiết từ tuyến meibomius và thay đổi thành phần của vi khuẩn ở trên da.
– Điều trị những tình trạng sức khỏe khác: điều trị bệnh trứng cá đỏ, các tình trạng tăng sinh tuyến bã nhờn. Nếu trong trường hợp khô mắt nặng có thể sử dụng nút điểm lệ phối hợp với tra nước mắt nhân tạo dạnh nước vào ban ngày và dạng mỡ, gel vào ban đêm.
6. Những điều bạn nên và không nên làm để phòng ngừa và điều trị viêm bờ mi:
Những điều nên làm: chườm ấm bờ mi giúp làm giảm triệu chứng khó chịu và tăng độ hồi phục, vệ sinh những tiết tố dạng sáp để giảm tắc lỗ tuyến meibomius, có thể massage mi để làm tan các chất mỡ gây ứ đọng và làm tăng cường lớp mỡ phủ trên bề mặt nhãn cầu.
Những điều không nên làm: tránh các tác động gây tổn thương thêm ở mi như dụi mắt, gãi, hoặc hóa chất như mĩ phẩm mới…
7. Cách vệ sinh mắt
Đánh bờ mi bằng tăm bông có thấm dung dịch dầu gội trẻ em 2 lần / ngày. Có thể thêm thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ để làm giảm lượng vi khuẩn ở bờ mi.
Có thể vệ sinh mi bằng giấy chuyên dụng dành cho chăm sóc mi (Ocusoft …)
Qua bài viết, chúng ta đã hiểu được các nguyên nhân gây viêm bờ mi, cũng như các loại viêm bờ mi khác nhau. Ngoài ra, chúng ta biết thêm được các cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm bờ mi. Để đảm bảo bệnh được chẩn đoán chính xác nhất, quý độc giả nếu có triệu chứng khó chịu ở mắt, hãy đến thăm khám ngay ở bác sĩ nhãn khoa nhé.