Các bệnh gây mù lòa có thể phòng tránh

Các bệnh gây mù lòa có thể phòng tránh (phần 1)

Có khá nhiều những bệnh thường gặp về mắt tùy theo mức độ mà dẫn đến những ảnh hưởng khác nhau. Nặng nhất là giảm thị lực và có thể dẫn tới mù lòa vĩnh viễn. Vì thế bạn cần hết sức cảnh giác để bảo vệ mắt. Một số bệnh thường gặp ở nhãn cầu là như đục thủy tinh thể, đau mắt đỏ, viêm màng bồ đào, glôcôm, thoái hóa điểm vàng.

1. Bệnh gây mù lòa: Đục thủy tinh thể

Đục thể thủy tinh còn gọi là cườm khô, cườm đá: là mờ thể thủy tinh trong mắt. Đục thủy tinh thể là do tích tụ protein trong mắt tạo ra những vùng mờ đục trong thể thủy tinh làm cản ánh sáng đến võng mạc gây giảm thị lực.

Ngoài các yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh đục thể thủy tinh có thể là hút thuốc, tiểu đường (còn gọi là đái tháo đường), môi trường sống quá nhiều nắng, dùng steroid kéo dài, nguyên nhân thường gặp nhất là do lão hóa. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện do chấn thương mắt hoặc sau phẫu thuật mắt vì các vấn đề khác.

Triệu chứng của bệnh đục thể thủy tinh gồm có thị lực suy giảm, nhìn mờ, khó nhìn, chói sáng khi ra nắng, quáng gà, ra nắng mờ hơn trong râm mát. Ở giai đoạn sớm, bệnh có thể không gây triệu chứng gì vì chỉ một phần nhỏ của thủy tinh thể bị đục. Khi đục thể thủy tinh tiến triển từ từ thì thị lực kém dần. Một số người có đục thể thủy tinh nhận thấy rằng thị lực nhìn gần/ đọc sách trở nên tốt hơn, nhưng chỉ là tạm thời. Thị lực sẽ giảm khi đục thể thủy tinh phát triển nhiều hơn vì giảm ánh sáng đến võng mạc. Dù nhiều người bị đục thủy tinh thể cả hai mắt nhưng bệnh không lây từ mắt này qua mắt kia.

Trong giai đoạn sớm, người bệnh có thể đeo kính hỗ trợ. Nếu đục thủy tinh thể nhiều, bệnh nhân cần được phẫu thuật để cải thiện thị lực. Phẫu thuật được thực hiện khi thị lực giàm, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày chẳng hạn như lái xe, đọc sách hoặc xem ti vi. 

Kỹ thuật hiện nay được áp dụng phổ biến nhất là phẫu thuật phaco, phương pháp nhũ tương hoá thể thủy tinh bằng máy sau đó hút ra và thay thế thể thủy tinh nhân tạo. Với trang thiêt bị hiện đại, phẫu thuật này an toàn và hiệu quả. Nếu bạn bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, bác sĩ cũng không phẫu thuật hai mắt cùng lúc mà mỗi mắt sẽ được phẫu thuật ở hai thời điểm khác nhau. Nếu hai mắt bị ảnh hưởng nhiều thì hai phẫu thuật có thể được tiến hành cách nhau 1– 2 tuần.

Sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, thị lực của bệnh nhân bắt đầu hồi phục trở lại. Sau phẫu thuật bệnh nhân thường có cảm giác cộm và xốn nhẹ một thời gian ngắn. Bệnh nhân cũng cần đeo kính bảo vệ mắt. Tránh dụi hoặc ấn lên mắt. Nhỏ thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ. 

2. Bệnh Glôcôm

Bệnh glôcôm là nguyên nhân thứ hai gây mù trong các bệnh về mắt, còn được gọi là “Kẻ cắp thị lực thầm lặng”. Đây là tình trạng tăng áp suất trong mắt tiến triển âm thầm dần làm tổn thương thần kinh thị giác gây mù loà vĩnh viễn.

2.1. Hệ thống thoát nước ở mắt bình thường và glôcôm 

Phần trước của mắt (tiền phòng) chứa đầy một chất lỏng trong suốt gọi là thủy dịch do thể mi sản xuất. Sau đó, thuỷ dịch đi đến hệ thống thoát nước của mắt ở góc tiền phòng, bao gồm lưới bè và một mạng lưới kênh thoát nước. Áp suất bên trong của mắt (còn gọi là nhãn áp) phụ thuộc vào sự cân bằng giữa lượng  được tạo thuỷ dịch sản xuất và lượng nước thoát ra khỏi mắt. Nếu hệ thống thoát nước của mắt bạn đang hoạt động tốt, khi đó thuỷ dịch có thể thoát ra ngoài một cách tự do sao cho duy trì một nhãn áp thích hợp ở mức bình thường. 

Hình minh họa bênh glôcôm
Hình minh họa bênh glôcôm

Trong hầu hết các loại bệnh glôcôm, hệ thống thoát nước của mắt bị tắc nên dịch nội nhãn không thoát được. Khi thuỷ dịch tích tụ, nó gây tăng áp lực bên trong mắt, có thể làm hỏng các sợi thần kinh võng mạc và dẫn đến giảm thị lực. Khi các sợi thần kinh bị hư hỏng và mất đi, đĩa thị bắt đầu lõm. Mức độ lõm càng rộng thì sợi thần kinh mất càng nhiều.

2.2. Ai có khả năng mắc bệnh glôcôm? 

Bệnh glôcôm ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến thiếu niên cho đến người lớn tuổi. Những đối tượng có khả năng mắc bệnh glôcôm nhiều hơn gồm: 

– Trên 40 tuổi.

– Có người thân bị tăng nhãn áp.

– Cận thị nặng, viễn thị nặng.

– Có tiền sử dùng thuốc steroid

– Bị tăng nhãn áp.

– Có giác mạc trung tâm mỏng.

– Đã từng bị chấn thương mắt.

2.3. Triệu chứng bệnh glôcôm 

Trong các dạng bệnh glôcôm, glôcôm góc mở nguyên phát chiếm đa số, xảy ra rất chậm. Thường không có triệu chứng khó chịu hoặc đau đớn cho đến khi bạn mất dần thị lực. Mất thị lực ban đầu là thị lực ngoại vi thường không được nhận thấy cho đến khi mất thị lực trung tâm vĩnh viễn. Người bệnh thường chỉ để ý khi thị lực giảm và đi khám ở giai đoạn cuối của bệnh lúc mắt đã mờ nhiều. Ở giai đoạn này việc điều trị thường không có kết quả, bác sĩ chỉ cố gắng giữ lại thị lực còn lại mà thôi. Do vậy, việc phát hiện sớm và điều trị dự phòng bệnh glôcôm là rất quan trọng.

Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở đây:

Nhìn mờ

– Đau mắt và đầu

– Buồn nôn hoặc nôn mửa.

Đây là những triệu chứng của glôcôm cấp, cần phải được điều trị cấp cứu.

2.4. Khi nào bạn nên đi kiểm tra mắt?

Phát hiện sớm, thông qua khám mắt hằng năm là chìa khóa để bảo vệ thị lực của bạn khỏi ảnh hưởng nặng do bệnh glôcôm. Bạn nên kiểm tra mắt cơ bản khi ở tuổi 40. Các dấu hiệu sớm của bệnh mắt và những thay đổi ở thị lực có thể bắt đầu xảy ra ở tuổi này. Bác sĩ nhãn khoa của bạn sẽ cho bạn biết tần suất khám theo dõi dựa trên kết quả của việc kiểm tra này. Nếu bạn bị tiểu đường, huyết áp cao, hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh glôcôm, bạn nên đi khám bác sĩ nhãn khoa ngay bây giờ để xác định tần suất khám mắt.

2.5. Khám và chẩn đoán bệnh glôcôm 

Bạn sẽ được kiểm tra thị lực, nhãn áp, soi góc tiền phòng, khám gai thị. Các bệnh nhân có nguy cơ glôcôm nếu có chỉ định sẽ được chỉ định điều trị dự phòng bằng laser. 

Ngoài ra, bác sĩ sẽ cho bạn chụp các chẩn đoán hình ảnh như chụp OCT (chụp cắt lớp cố kết quang học), đo thị trường, chụp hình gai thị để giúp chẩn đoán xác định và theo dõi bệnh tốt hơn.

2.6. Điều trị glôcôm như thế nào?

Mục tiêu điều trị là làm hạ nhãn áp. Có nhiều phương pháp làm hạ nhãn áp như dùng thuốc nhỏ mắt, phương pháp điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật. Hiện tại có nhiều loại thuốc hạ nhãn áp nhỏ ít tác dụng phụ toàn thân, có khả năng kiểm soát nhãn áp 24 giờ cũng như nhiều phương pháp phẫu thuật tiên tiến đang được phát triển và đánh giá.

Bệnh glôcôm đã điều trị cần được tái khám ngoại trú định kỳ theo hẹn của bác sĩ để phòng truờng hợp tái phát hay có tổn thương nặng thêm.

Đây là một bệnh mãn tính cần điều trị suốt đời và bạn là người quan trọng nhất quyết định sự thành công trong quá trình điều trị. Tuân thủ điều trị là điều kiện tiên quyết trong điều trị bệnh glôcôm. Cần xây dựng mối quan hệ lâu dài, trao đổi thẳng thắn với bác sĩ nhãn khoa của mình về bệnh và cách điều trị là chìa khóa để duy trì thị lực.