Các bệnh gây mù lòa có thể phòng tránh (Phần 2)

Các bệnh gây mù lòa có thể phòng tránh (phần 2)

phần trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu về hai bệnh gây mù lòa có thể phòng tránh được: là bệnh đục thủy tinh thể và bệnh glôcôm. Kỳ này kính mới quý độc giả cùng tìm hiểu thêm một bệnh khác cũng nguy hiểm không kém là bệnh võng mạc tiểu đường. 

1. Bệnh gây mù lòa: võng mạc tiểu đường 

Bệnh võng mạc tiểu đường (VMTĐ) là một biến chứng của bệnh tiểu đường ảnh hưởng tới mắt. Bệnh tiểu đường có hai loại: phụ thuộc insuline (týp 1) và không phụ thuộc insuline (týp 2).Cả hai loại này đều gây biến chứng võng mạc như nhau. Hầu hết những người có thâm niên mắc bệnh tiểu đường từ 5 năm trở lên đều có xuất hiện tổn thương ở võng mạc. Trường hợp đặc biệt ở người trẻ và người có thai, bệnh VMTĐ tiến triển rất nhanh và nặng.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị, những tổn thương này sẽ chuyển sang giai đoạn có thể đe dọa thị lực của bạn. Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra điều này, những người mắc bệnh tiểu đường nên đảm bảo kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol và khám tầm soát hàng năm để phát hiện và điều trị sớm.

2. Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến mắt như thế nào?

Võng mạc là lớp tế bào nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau của mắt, có chức năng chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu điện. Các tín hiệu được gửi đến não và biến chúng thành những hình ảnh mà bạn nhìn thấy.

Võng mạc cần được cung cấp máu liên tục thông qua một mạng lưới các mạch máu nhỏ. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao liên tục có thể làm hỏng các vi mạch máu này theo 3 giai đoạn chính: 

– Bệnh võng mạc nền – các vi phình mạch nhỏ phát triển trong mạch máu, có thể chảy máu nhẹ nhưng thường không ảnh hưởng đến thị lực của bạn. 

– Bệnh võng mạc tiền tăng sinh – những tổn thương nghiêm trọng hơn và lan rộng hơn ảnh hưởng đến các mạch máu, bao gồm chảy máu nhiều hơn vào mắt.

– Bệnh võng mạc tăng sinh – mô sẹo và các tân mạch yếu và dễ vỡ, phát triển toàn võng mạc, có thể dẫn đến mất thị lực.

Tuy nhiên, nếu vấn đề mắt của bạn được phát hiện sớm, cũng như thay đổi lối sống và / hoặc điều trị kịp thời có thể ngăn chặn tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

3. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường 

Bất kỳ ai mắc bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2 đều có nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường. Những yếu tố nguy cơ cao hơn gồm:

– Đã bị bệnh tiểu đường trong một thời gian dài 

– Có mức đường huyết (glucose trong máu) cao liên tục 

– Bị cao huyết áp 

– Có cholesterol cao

– Đang mang thai

– Người gốc Châu Á 

Phụ nữ có thai có nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường
Phụ nữ có thai có nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường

Bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và mức cholesterol, bạn có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh võng mạc tiểu đường.

4. Các triệu chứng của bệnh võng mạc tiểu đường

Bạn sẽ không nhận thấy bệnh võng mạc tiểu đường trong giai đoạn đầu, vì nó không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào cho đến khi bệnh tiến triển hơn. Tuy nhiên, khi khám tầm soát thì các dấu hiệu ban đầu của tình trạng này có thể được phát hiện bằng cách chụp ảnh mắt 

Liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn gặp phải:

– Thị lực dần dần kém đi 

– Mất thị lực đột ngột

– Ruồi bay trong mắt

– Nhìn mờ

– Nhức mắt, đỏ mắt.

Khi xuất hiện những triệu chứng này bạn phải đi kiểm tra mắt ngay. Đừng đợi cho đến cuộc hẹn khám tiếp theo. 

5. Sàng lọc mắt bệnh tiểu đường 

Tất cả những người mắc bệnh tiểu đường đều nên đi khám mắt mỗi năm một lần vì do:

– Bệnh võng mạc tiểu đường không có xu hướng gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu.

– Tình trạng này có thể gây mù vĩnh viễn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

– Khám sàng lọc có thể phát hiện các vấn đề trong mắt trước khi chúng bắt đầu ảnh hưởng đến thị lực của bạn.

– Nếu các triệu chứng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm mất thị lực. 

Kiểm tra sàng lọc bao gồm kiểm tra mặt sau của mắt và chụp ảnh. Tùy thuộc vào kết quả của bạn, bạn có thể được khuyên quay lại một cuộc khám tầm soát một năm sau đó về các lựa chọn điều trị với bác sĩ chuyên khoa.

6. Giảm nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường

Bạn có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh võng mạc tiểu đường hoặc giúp ngăn ngừa bệnh trở nên tồi tệ hơn, bằng cách: 

– Kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và mức cholesterol của bạn.

– Uống thuốc tiểu đường theo toa của bác sĩ nội tiết.

– Khám tầm soát mắt định kỳ.

– Khám ngay khi bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi về thị lực của mình.

– Duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống lành mạnh, cân bằng, tập thể dục thường xuyên và ngừng hút thuốc (nếu có).

7. Phương pháp điều trị bệnh võng mạc tiểu đường

Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường chỉ cần thiết nếu tầm soát phát hiện các vấn đề nghiêm trọng có nghĩa là thị lực của bạn có nguy cơ.

Nếu tình trạng bệnh chưa đến giai đoạn này, hãy thực hiện lời khuyên trên đây về cách quản lý bệnh tiểu đường hoặc theo khuyến cáo của bác sĩ nội tiết của bạn.

Đối với bệnh võng mạc tiểu đường đang đe dọa hoặc ảnh hưởng đến thị lực của bạn, có các phương pháp điều trị chính:

– Điều trị bằng laser – để điều trị sự phát triển của các mạch máu mới ở phía sau của mắt (võng mạc) trong các trường hợp bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh và để ổn định một số trường hợp bệnh hoàng điểm.

– Tiêm thuốc chống tăng sinh mạch vào mắt.

– Phẫu thuật mắt – để loại bỏ máu hoặc mô sẹo trong dịch kính nếu không thể điều trị bằng laser vì bệnh võng mạc quá nặng.

Bác sĩ nhãn khoa là người sẽ quyết định dùng phương pháp điều trị nào phù hợp với tình trạng mắt bạn.