Mổ đục thủy tinh thể có những nguy cơ nào

Phẫu thuật đục thủy tinh thể có những nguy cơ nào?

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo thống kê tại Bệnh viện Mắt Trung ương, trong năm 2007 có tới 373.000 người bị giảm thị lực dưới 1/10 cả hai mắt do đục thủy tinh thể. Cho đến nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất để điều trị đục thủy tinh thể. 

Phẫu thuật đục thủy tinh thể là quá trình lấy bỏ thể thủy tinh đục của bệnh nhân và trong phần lớn trường hợp sẽ được thay thế bằng một thủy tinh thể nhân tạo. Phẫu thuật thường ít có biến chứng và khi biến chứng xảy ra thì hầu hết là nhẹ, có thể được điều trị ổn định bằng thuốc hoặc các thủ thuật. Sau đây, Mắt Khỏe sẽ chia sẻ về những rủi ro mà bạn có thể gặp phải khi sau phẫu thuật đục thủy tinh thể.

Các biến chứng có thể xảy ra tức thì hoặc xảy ra muộn sau phẫu thuật. Các biến chứng tức thì như: cảm giác không thoải mái, bầm tím và phù nề mi mắt, tăng nhãn áp, dị ứng với các thuốc kháng sinh, chống viêm tra mắt. Các biến chứng này cần được theo dõi sát, nếu tiến triển đau nhức, đỏ mắt, nhìn mờ tăng lên cần được thăm khám và điều trị kịp thời.

1. Các biến chứng muộn hơn có thể ảnh hưởng thị lực bệnh nhân, thường gặp như: 

1.1. Phù hoàng điểm dạng nang

Phù hoàng điểm dạng nang là một biến chứng thường gặp, tỉ lệ 1-2% và hay xảy ra sau phẫu thuật từ 6 đến 8 tuần. Tình trạng này là kết quả của sự tích tụ dịch thành các nang tập trung ở vùng hoàng điểm trung tâm võng mạc làm ảnh hưởng trực tiếp đến vùng thị lực trung tâm của người bệnh. 

Võng mạc của người bệnh Phù hoàng điếm.
Võng mạc của người bệnh Phù hoàng điếm.

1.2. Viêm mủ nội nhãn

Viêm nội nhãn là biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật thủy tinh thể. Biến chứng này có thể xuất hiện cấp tính trong vòng vài ngày hoặc bán cấp từ nhiều ngày đến nhiều tuần sau mổ. Tình trạng viêm này do vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào bên trong mắt trong quá trình phẫu thuật. Tác nhân thường gặp nhất là vi khuẩn Staphylococcus epidermidis (tụ cầu epidermidis) có ở mi mắt, da, hay kết mạc. Chẩn đoán và điều trị sớm viêm mủ nội nhãn có ý nghĩa quan trọng trong tiên lượng kết quả thị lực cho bệnh nhân.

1.3. Bong võng mạc

Bong võng mạc là một biến chứng muộn, nặng nề và thường xuất hiện trong vòng 6 tháng sau phẫu thuật. Những yếu tố thuận lợi: cận thị cao, thoái hóa rào võng mạc, tiền sử bong võng mạc ở mắt kia hay những mắt can thiệp laser mở bao sau. Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ bong võng mạc như chớp sáng hay ruồi bay, bạn cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Mổ đục thủy tinh thể có thể gây bong võng mạc.
Mổ đục thủy tinh thể có thể gây bong võng mạc.

1.4. Xuất huyết dịch kính/ xuất huyết thượng hắc mạc

Những biến chứng này thường ít gặp nhưng có thể đe dọa thị lực của người bệnh. Các yếu tố nguy cơ gây xuất huyết bao gồm: cận thị, tăng nhãn áp, đái tháo đường, bệnh xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. 

1.5. Đục bao sau 

Đục bao sau là biến chứng phổ biến nhất sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. Đục bao sau hình thành do các tế bào biểu mô phát triển và tăng sinh bất thường. Những tế bào này di chuyển ra bao sau và gây cản trở trục thị giác, dẫn đến hiện tượng nhìn mờ.

Đục bao sau nhiều thường sẽ được điều trị mở bao sau bằng laser YAG để loại bỏ vùng đục. Đây là một thủ thuật đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả và không đau đớn.

1.6. Sai lạc vị trí của thể thủy tinh nhân tạo

Thể thủy tinh nhân tạo có thể bị di lệch do dây chằng treo thủy tinh thể không đủ nâng đỡ, do sự xơ hóa không đều của bao sau hoặc do rách bao sau…Thể thủy tinh nhân tạo có thể lệch ở bờ đồng tử, lệch ra tiền phòng, lệch sang bên, di lệch xuống dưới,… và trong trường hợp nặng hơn có thể rơi vào buồng dịch kính. Nhiều trường hợp sa lệch thể thủy tinh nhân tạo cần phải can thiệp phẫu thuật cố định lại thủy tinh thể.

2. Kết luận

Hiện nay, phẫu thuật đục thủy tinh thể là phẫu thuật phổ biến nhất của chuyên khoa mắt với tỷ lệ thành công lên đến 90% ở các bệnh viện uy tín. Những tiền bộ về trang thiết bị cũng như kinh nghiệm của phẫu thuật viên làm tăng tỉ lệ thành công đồng thời giảm tỉ lệ biến chứng của phẫu thuật. Hiểu biết những biến chứng của phẫu thuật giúp bạn có thể chăm sóc và theo dõi mắt trước và sau khi phẫu thuật tốt hơn. Liên hệ ngay với các bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn và hỗ trợ đúng cách và kịp thời.