Phân biệt triệu chứng các bệnh viêm kết mạc

Phân biệt triệu chứng các bệnh viêm kết mạc

Viêm kết mạc là một trong những bệnh phổ biến về mắt và để hiểu rõ hơn về bệnh, matkhoe kính mời quý độc giả cùng tìm hiểu cách phân biệt các triệu chứng của các bệnh viêm kết mạc nhé.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc

Kết mạc mắt bao gồm kết mạc nhãn cầu (là lớp màng mỏng trong suốt ở bề mặt lòng trắng) và kết mạc mi (là lớp niêm mạc lót bên trong mi trên và mi dưới). Khi lớp niêm mạc này bị viêm do các tác nhân gây ra gọi là bệnh viêm kết mạc

Các nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc bao gồm:

Do virus: Là nguyên nhân hay gặp nhất, trong đó khoảng 80% là Adenovirus. Bệnh dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

Do vi khuẩn: Bao gồm các loại vi khuẩn như tụ cầu, Hemophilus influenza,… bệnh lây qua tiếp xúc dịch tiết hay vật dụng có dính dịch tiết chạm vào mắt. Có thể gây tổn thương nặng khi không được điều trị.

Do tác nhân gây dị ứng (bụi, lông vật nuôi, phân hoa, thuốc,…): Xuất hiện trên những người có cơ địa dị ứng, bệnh thường xuất hiện tái đi tái lại có thể xuất hiện theo mùa. Không lây và muốn điều trị dứt điểm phải tìm được tác nhân gây dị ứng.

Nguyên nhân gây bệnh bao gồm do virus, do vi khuẩn và do tác nhân gây dị ứng.
Nguyên nhân gây bệnh bao gồm do virus, do vi khuẩn và do tác nhân gây dị ứng.

2. Triệu chứng viêm kết mạc mắt

Triệu chứng của bệnh thay đổi tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh: tuy nhiên, triệu chứng chung của bệnh viêm kết mạc là không gây giảm thị lực khi chưa có biến chứng (bệnh nhân có thể nhìn nhòe do ghèn rử hay do tăng tiết nước mắt)

Kết mạc bình thường và kết mạc khi bị viêm
Kết mạc bình thường và kết mạc khi bị viêm

2.1. Triệu chứng viêm kết mạc do virus

Bệnh thường lây lan trực tiếp qua tiếp xúc với tiết tố từ mắt người bệnh hoặc qua đường hô hấp và có thể truyền bệnh do dùng chung khăn mặt hoặc sử dụng chung các dụng cụ khám mắt như dụng cụ đo nhãn áp.

– Kết mạc mắt đỏ, rõ nhất ở cùng đồ và nhạt dần khi ra đến vùng rìa (Cương tụ nông)

– Ngứa, chảy nước mắt, cảm giác cộm như có bụi cát trong mắt

– Phù mi

– Có thể xuất hiện giả mạc ở mắt: Là màng trắng dai, dính vào kết mạc mi

– Có thể xuất hiện các triệu chứng kèm theo như: Ho, hắt hơi, sốt, viêm họng, nổi hạch góc hàm

– Có thể bị một hoặc hai bên.

– Giác mạc ít bị viêm (khoảng 30% các trường hợp và thường rất nhẹ).

– Khi có biến chứng: Cảm giác chói mắt, giảm thị lực, thâm nhiễm giác mạc.

– Có thể bị một hoặc hai bên.

2.2. Triệu chứng viêm kết mạc do vi khuẩn

Vi khuẩn từ bụi bặm, dụng cụ, tay bẩn ô nhiễm vào mắt hoặc viêm nhiễm ở cơ quan khác lan đến vùng kết mạc mắt.

Xuất hiện gỉ mắt màu xanh hay vàng dính 2 mi mắt.
Xuất hiện gỉ mắt màu xanh hay vàng dính 2 mi mắt.

– Cộm mắt như có cát, bỏng rát và nhiều tiết tố dẫn đến tình trạng khó mở mắt vào buổi sáng khi ngủ dậy, xuất hiện ở một mắt, sau đó lan sang mắt thứ 2 do tiết tố lây sang

– Ngứa, chảy nước mắt

– Kết mạc mắt đỏ, rõ nhất ở cùng đồ và nhạt dần khi ra đến vùng rìa

– Có thể bị một hoặc cả hai bên mắt

– Giác mạc ít khi bị thâm nhiễm, mặc dù trong những trường hợp nặng có thể thấy chấm nông giác mạc và thẩm lậu vùng rìa

– Trường hợp nặng gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi

2.3 Triệu chứng viêm kết mạc do dị ứng

  • Viêm kết mạc dị ứng cấp: Cơ chế bệnh sinh là do phản ứng viêm cấp tính ngay sau khi tiếp xúc với các dị nguyên. Mi mắt và kết mạc đôi khi sưng phù làm người bệnh cảm thấy lo sợ, tuy nhiên, tình trạng này thường kéo dài trong vài giờ và có thể tự giới hạn.
  • Viêm kết mạc dị ứng theo mùa hoặc quanh năm: Tình trạng dị ứng xảy ra nặng hơn theo mùa (thường là mùa xuân hay hè của các nước ôn đới) hoặc có thể xuất hiện quanh năm và kèm theo viêm mũi dị ứng.
  • Viêm kết mạc dị ứng mùa xuân:  viêm kết mạc mùa xuân lại là một dạng viêm do dị ứng, thường xảy ra vào mùa xuân, thời điểm này hoa nở rộ và phấn hoa là nguyên nhân chính gây ra dị ứng. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nam từ 5-20 tuổi (rất hiếm khi bệnh gặp ở người lớn tuổi).

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh: Bệnh viêm kết mạc dị ứng xảy ra do phản ứng của cơ thể với dị nguyên, như phấn hoa và lông thú nuôi. Dị nguyên là những chất có tính kháng nguyên, khi xâm nhập vào cơ thể có các yếu tố cơ địa dị ứng sẽ sinh ra các kháng thể và các phản ứng quá mẫn cảm, biểu hiện bệnh lý ở một hay nhiều cơ quan.

Bệnh xảy ra ở trên người có cơ địa dị ứng, nên bệnh nhân bị viêm kết mạc mùa xuân thường có thêm các bệnh viêm phế quản, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, viêm da cơ địa… Khi một vật lạ (hạt phấn hoa, bụi…) rơi vào mắt, kết hợp với một kháng thể làm vỡ một loại tế bào ở mắt được gọi là dưỡng bào, dưỡng bào này vỡ sẽ làm thoát ra các hoạt chất gây ngứa, đỏ, phù…

Triệu chứng của viêm kết mạc mùa xuân:

– Đau, ngứa mắt

– Đỏ mắt

– Cảm giác nóng rát trong mắt

– Chảy nước mắt thường xuyên

– Sưng mắt, mi mắt phù nề, chảy dịch nhầy trắng

– Nhạy cảm với ánh sáng

– Nhìn mờ

Ðiều trị viêm kết mạc mùa xuân

Bệnh viêm kết mạc mùa xuân cần điều trị kiên trì. Có rất nhiều thuốc uống và thuốc nhỏ mắt đáp ứng rất tốt với bệnh viêm kết mạc mùa xuân, nhưng người bệnh không nên tự ý mua thuốc dùng mà cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt.

Bệnh hay tái phát, nhưng người bệnh không nên chủ quan tự sử dụng theo đơn thuốc cũ. Vì cùng một bệnh nhưng ở mỗi thời điểm có thể sẽ phải dùng những loại thuốc khác nhau tùy mức độ viêm. Bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với dị nguyên để không tái phát bệnh.

Khi bị viêm kết mạc dị ứng, tránh day dụi mắt vì có thể khiến mắt bị viêm nặng hơn, thậm chí có thể gây xước giác mạc ảnh hưởng đến thị lực.

Phòng bệnh viêm kết mạc mùa xuân

Bệnh viêm kết mạc mùa xuân không thể tránh hoàn toàn được nhưng có thể phòng ngừa và hạn chế việc làm bùng phát bệnh bằng các lưu ý sau:

– Nếu có cơ địa dị ứng cần hạn chế tối đa tiếp xúc với dị nguyên có thể gây dị ứng (bụi, phấn hoa, lông vật nuôi…).

– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ và không đưa tay bẩn dụi lên mắt

– Vệ sinh nhà cửa, vị trí làm việc sạch sẽ để hạn chế bụi,

– Không cắm, trồng quá nhiều hoa trong nhà, nhất là trong thời gian đang xảy ra dị ứng thì nên cách ly với phấn hoa.

– Nên đeo kính khi đi đường để hạn chế bụi bay vào mắt

– Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Viêm kết mạc mùa xuân gây ra nhiều khó khăn cho người bênh, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Do vậy việc điều trị đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ là cần thiết để làm giảm những khó chịu tại mắt, nhanh khỏi và tránh gây ra các biến chứng không đáng có. Nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân và có lối sống lành mạnh là cách để nâng cao sức khỏe và đẩy lùi bệnh tật.

3. Điều trị, phòng bệnh viêm kết mạc

Điều trị viêm kết mạc tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:

3.1. Viêm kết mạc do virus:  

Bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị sau 7-10 ngày (Chu kỳ của adenovirus)

Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng bao gồm:

– Rửa mắt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý

– Tránh khô mắt bằng cách nhỏ nước mắt nhân tạo: 4-5 lần/ngày 

– Tra kháng sinh phòng bội nhiễm vi khuẩn.

Tuyệt đối không xông hay đắp các loại lá theo dân gian lên mắt bị bệnh: Gây bỏng mắt và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn

Phòng bệnh:  

– Hạn chế tiếp xúc với người khác

– Đeo khẩu trang thường xuyên, dùng riêng khăn rửa mặt, cốc uống nước

– Rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn

3.2. Viêm kết mạc do vi khuẩn

Điều trị nguyên nhân gây bệnh bằng kháng sinh nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ tra mắt.

Tránh khô mắt bằng cách nhỏ nước mắt nhân tạo: 4-5 lần/ngày 

3.3. Viêm kết mạc do dị ứng: 

– Cố gắng tìm tác nhân gây dị ứng và tránh các tác nhân gây dị ứng

– Điều trị bằng các thuốc chống dị ứng kháng Histamin

– Nhỏ nước mắt nhân tạo để làm giảm khó chịu.

– Sử dụng thuốc tra chóng viêm Steroid trong giai đoạn cấp nhưng phải theo chỉ định của bác sỹ.

Các bệnh viêm kết mạc thật đa dạng và triệu chứng khá gần nhau. Vì vậy, để được chẩn đoán phân biệt chính xác nhất, quý độc giả đến ngay phòng khám của bác sĩ chuyên khoa Mắt hoặc khoa Mắt các bệnh viện để được bác sĩ tư vấn thêm nhé.