Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi? Có dễ bị lại không?

Đau mắt đỏ là tình trạng viêm “tròng trắng”, hay gọi đúng hơn là viêm kết mạc. Bình thường, kết mạc là một lớp mô mỏng, trong suốt với một vài mạch máu bảo vệ phần trước của nhãn cầu. Phía dưới lớp kết mạc trong suốt là củng mạc có màu trắng, cho nên dân gian thường gọi đây là tròng trắng. 

Viêm kết mạc là bệnh lý mắt thường gặp nhất tại các phòng khám. Mặc dù bệnh thường không đe dọa đến thị lực nhưng có thể gây nhiều triệu chứng khó chịu như sưng phù mi mắt, chảy nước mắt, chảy ghèn, đỏ mắt, cảm giác cộm xốn, ngứa mắt và thậm chí là chói mắt. Chính vì vậy mà một trong những điều người bệnh quan tâm nhất là: Bao giờ thì mắt khỏi bệnh hoàn toàn? Hay bệnh có tái phát trở lại không?

Để trả lời các câu hỏi này, chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh, và cách xử trí cho từng trường hợp. Nguyên nhân gây viêm kết mạc thường rơi vào hai nhóm bệnh lý: viêm kết mạc nhiễm trùng và viêm kết mạc dị ứng. 

1. Viêm kết mạc nhiễm trùng 

Viêm kết mạc nhiễm trùng thường đặc trưng bởi triệu chứng xuất hiện nhanh, bao gồm đỏ mắt, chảy nước mắt sống, chảy ghèn, cộm xốn; tác nhân gây bệnh có thể do virus (thường gặp nhất) hoặc do vi khuẩn (ít gặp).

Viêm kết mạc do virus thường giảm triệu chứng từ từ và hết bệnh trong vòng 5 – 14 ngày. Nếu triệu chứng kéo dài hơn hoặc xuất hiện các triệu chứng mới như nhìn mờ, đau tăng… thì người bệnh cần tái khám ngay vì đây là các dấu hiệu bệnh trở nặng. Điều trị chủ yếu bằng cách vệ sinh mắt thường xuyên, giữ vệ sinh tay và cơ thể để tránh lây lan (qua dịch tiết và nước bọt). Một số trường hợp có thể sử dụng thuốc nhỏ kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh thường lây nhiều nhất trong 10 – 14 ngày sau khi khởi phát.   

Viêm kết mạc do vi khuẩn thường gặp hơn ở trẻ em và người lớn tuổi, thông thường sẽ khỏi bệnh sau 5 – 7 ngày điều trị với thuốc kháng sinh nhỏ mắt; nếu là viêm do lậu cầu thì bệnh thường nặng và diễn tiến lâu hơn. 

Đối với viêm kết mạc sơ sinh, tức xảy ra khi bé chưa đầy 1 tháng tuổi, cần hết sức cẩn trọng do có những trường hợp tác nhân gây bệnh là vi khuẩn độc lực mạnh có thể diễn tiến tới thủng giác mạc (dân gian gọi là “tròng đen”), gây mất thị lực vĩnh viễn hoặc thậm chí nhiễm trùng toàn thân dẫn đến tử vong. Vì vậy, tất cả các trường hợp viêm kết mạc sơ sinh cần đến khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa mắt.

Đa số các trường hợp viêm kết mạc nhiễm trùng không tái phát. Nếu người bệnh có những đợt đỏ mắt tái phát thì có thể do các chủng vi khuẩn, virus ít gặp hoặc là một đợt viêm kết mạc mới.

Rửa tay thường xuyên phòng đau mắt đỏ
Rửa tay thường xuyên phòng đau mắt đỏ

2. Viêm kết mạc dị ứng 

Viêm kết mạc dị ứng gồm viêm kết mạc dị ứng thông thường, viêm kết mạc mùa xuân, và viêm kết mạc dị ứng cơ địa.

Viêm kết mạc dị ứng thông thường là phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với dị nguyên như: phấn hoa (ngoài trời); lông vật nuôi, mạt nhà (trong nhà). Bệnh đáp ứng nhanh với thuốc điều trị, tuy nhiên sẽ tái phát mỗi khi tiếp xúc với dị nguyên. Do đó, bên cạnh điều trị đợt dị ứng cấp, cần xác định được dị nguyên (có thể bằng xét nghiệm) và hạn chế tiếp xúc để tránh tái phát. 

 Đối với những đợt viêm kết mạc mùa xuân và viêm kết mạc dị ứng cơ địa thì diễn tiến phức tạp hơn và tùy vào phản ứng miễn dịch mỗi cá thể mà thời gian khỏi bệnh là khác nhau. Tuy nhiên cả hai bệnh này đều có điểm chung là tái phát nhiều đợt, viêm kết mạc mùa xuân khởi phát từ lúc nhỏ và thường khỏi bệnh lúc bước sang tuổi dậy thì trong khi đó viêm kết mạc dị ứng cơ địa thường biểu hiện ở người lớn và tái phát quanh năm. Tất cả bệnh lý dị ứng đều nên đến khám và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa mắt để hạn chế những biến chứng do sử dụng thuốc không đúng như đục thuỷ tinh thể (cườm khô), glaucome (cườm nước) và nhiễm trùng.

3. Đỏ mắt ở người đeo kính tiếp xúc

Ngày nay, với số lượng người dùng kính tiếp xúc ngày một tăng, tình trạng đỏ mắt ở người đeo kính tiếp xúc không phải là ít gặp. Khác với bệnh đau mắt đỏ thông thường, biểu hiện đỏ mắt ở trường hợp này do rất nhiều nguyên nhân từ bệnh đơn giản như viêm kết mạc, khô mắt đến những bệnh làm giảm thị lực nghiêm trọng như viêm loét giác mạc.

Vì vậy, người bệnh cần đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để có phương pháp điều trị phù hợp: ngưng / đổi loại kính tiếp xúc, thuốc nhỏ mắt điều trị tác nhân nhiễm trùng (vi khuẩn, vi nấm, amíp…) hay điều trị vấn đề dị ứng (do vật liệu kính, dung dịch bảo quản…).

Đau mắc đỏ không phải là bệnh nghiêm trọng nếu như được tư vấn điều trị kịp thời. Đặc biệt, viêm kết mạc do nhiễm trùng có thể trị dứt điểm không tái phát. Nếu cảm thấy bản thân có các dấu hiệu đau mắt đỏ, quý độc giả đến thăm khám ngay bác sĩ nhãn khoa nhé.