Chăm sóc bệnh nhân viêm loét giác mạc
Viêm loét giác mạc là một bệnh thường gặp trên lâm sàng, đặc biệt liên quan đến chấn thương nông nghiệp và cơ khí, bệnh có thể để lại những di chứng như khô mắt, sẹo giác mạc, thủng giác mạc…, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.
Table of Contents
1. Các yếu tố thuận lợi
– Chấn thương mắt: do chấn thương cơ học thường là tác nhân nông nghiệp hoặc cơ khí, giác mạc bị tổn thương xước, rách, hoặc do dị vật bắn vào mắt, cành cây, lá cây quyệt vào mắt…
– Biến chứng của một số bệnh khác: lông quặm, hở mi do liệt thần kinh VII, hở mi sau phẩu thuật thẩm mỹ…
– Dùng kính áp tròng không đúng kỹ thuật
– Tự dùng thuốc tra nhỏ mắt không đúng, đặc biệt dùng thuốc nhỏ có có chất Corticoid kéo dài….
2. Nguyên nhân gây viêm loét giác mạc
2.1. Nguyên nhân do vi khuẩn
– Là nguyên nhân thường gặp nhất, có nguy có gây giảm thị lực nghiêm trọng do đặc điểm có tiến triển nhanh, cấp tính, có thể gây hoại tử toàn bộ giác mạc.
– Các loại vi khuẩn thường gặp nhất bao gồm: trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng, liên cầu, phế cầu, ngoài ra có thể do một số loại vi khuẩn kháng toan khác như: Mycobacteria và Nocardia.
2.2. Do nấm
– Viêm loét giác mạc do nấm là một bệnh lý nhiễm trùng nặng trong số những bệnh nhiễm trùng giác mạc, thường liên quan đến chấn thương nông nghiệp: Lá lúa, ngô, mía… chọc vào mắt, viêm mắt tự mua thuốc có corticoid tra. Điều trị phức tạp, tiên lượng dè dặt do ít chủng loại thuốc chống nấm và nấm cũng ít nhạy cảm với các loại thuốc chống nấm hiện có.
– Các loại nấm gây bệnh trên giác mạc bao gồm: nấm sợi (Fusasium, Aspergillus, Alternaria, Mucor…), nấm men (Candida, Trichosporon, Pichia…).
2.3. Do virus
– Ở mắt, tác nhân gây bệnh là virus Hespes Simplex Type I.
– Bệnh có nguy cơ dễ tái phát.
– Mức độ nặng nhẹ khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tinh thần, thể lực, hệ miễn dịch của người bệnh và độc lực hoạt tính của virus.
2.4. Do kí sinh trùng
– Do Amip (Acanthamoeba): là một loại kí sinh trùng đơn bào, sống tự do, tồn tại ở nhiều nơi trong môi trường tự nhiên. Viêm loét giác mạc do Amip ít gặp hơn so với ba tác nhân phổ biến là nấm, vi khuẩn và herpes, nhưng cũng là bệnh lý tại giác mạc gây tổn hại nghiêm trọng. Viêm loét giác mạc do Amip có triệu chứng lâm sàng dễ bị nhầm lẫn với các nguyên nhân khác nên bệnh thường được chẩn đoán muộn, do thiếu các thuốc điều trị đặc hiệu nên tiên lượng bệnh không khả quan.
– Do Microsporidia: là nhóm các kí sinh trùng đơn bào, kí sinh bắt buộc trong tế bào và là tác nhân gây bệnh cơ hội, thường gặp ở người suy giảm miễn dịch, đặc biệt là bệnh nhân nhiễm HIV. Nhiễm Microsporidia tại mắt có hai hình thái là viêm giác mạc nông và viêm giác mạc nhu mô. Đến nay, hiểu biết về bệnh này vẫn giới hạn trong các báo cáo trường hợp đơn lẻ.
3. Triệu chứng bệnh viêm loét giác mạc
Dấu hiệu và triệu chứng viêm giác mạc hoặc viêm loét giác mạc bao gồm:
– Đỏ mắt
– Đau mắt
– Chảy nước mắt
– Đau hoặc khó chịu làm cho việc mở mắt khó khăn
– Rát, cảm giác có sạn hoặc ngứa trong mắt của bạn
– Sưng quanh mắt
– Một cảm giác có dị vật ở trong mắt
– Giảm thị lực
– Nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng).
Khi gặp các triệu chứng trên, người bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để được khám và điều trị kịp lúc, tránh bệnh có diễn biến nặng lên có thể dẫn dến mù lòa
4. Chăm sóc mắt trong thời gian mắc bệnh
Chăm sóc mắt trên bệnh nhân viêm loét giác mạc có ý nghĩa rất quan trọng đến hiệu quả điều trị bệnh
– Bệnh nhân loét giác mạc không nên băng kín mắt vì sẽ tạo điều kiện nóng ẩm, giúp vi khuẩn phát triển mạnh hơn.
– Vệ sinh mắt hằng, mi mắt ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, betadin 5%… với gạc vô khuẩn.
– Nên đeo kính mát để bảo vệ mắt và giúp mắt giảm kích thích.
– Không đeo kính áp tròng hay trang điểm trong quá trình điều trị bệnh.
– Không để vật thể khác tác động vào mắt, đặc biệt không đưa tay lên dụi, không dùng khăn hay giấy ăn chấm, chùi mắt.
– Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý uống hoặc nhỏ thêm thuốc khác mà không có sự kê đơn của bác sĩ.
5. Phòng ngừa viêm loét giác mạc
Khi bị viêm loét giác mạc, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt, ngay khi xuất hiện các triệu chứng bị nhiễm trùng mắt hoặc ngay sau khi mắt bị chấn thương. Bệnh nặng sẽ để lại di chứng về sau dù có được điều trị tốt. Do đó, quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh đúng cách:
– Sử dụng phương tiện bảo hộ lao động để bảo vệ mắt khi làm việc như đeo kính bảo hộ khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi, khi tiện, hàn…
– Mang kính mát khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi cát, bụi và hạn chế sự tiếp xúc của mắt với tia cực tím.
– Điều trị tốt và dứt điểm các bệnh về mắt và bệnh toàn thân có nguy cơ gây viêm loét giác mạc.
Không dùng tay dụi mắt, không tự lấy dị vật khi có vật lạ xâm nhập vào mắt, nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để kiểm tra và lấy dị vật dưới kính hiển vi bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Cung cấp đủ vitamin A cho mắt và chớp mắt thường xuyên để tránh khô mắt.
Đeo kính áp tròng đúng cách và vệ sinh kính sạch sẽ trước và sau khi đeo. Khi mắt có tình trạng cộm, vướng, đau nhức hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào tại mắt bạn cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị.
6. Hướng dẫn cách tra nhỏ thuốc
Để tra, nhỏ thuốc mắt thế nào cho đúng và hiệu quả sau đây chúng tối sẽ hướng dẫn cụ thể cách tra, nhỏ thuốc nước và mỡ như sau:
Đối với thuốc tra nhỏ dạng dung dịch:
– Đầu tiên phải lau sạch mắt khỏi bụi bẩn hay dịch tiết.
– Nhỏ thuốc nước vào từng mắt, lưu ý nhỏ vào góc trong của mắt.
– Sau khi nhỏ, dùng ngón tay giữa kéo mi dưới xuống cho thuốc đều mắt, lưu ý sau khi nhỏ mới kéo mi dưới, không vừa nhỏ vừa kéo.
– Tiếp đó lau các giọt thuốc thừa chảy ra cạnh gốc sống mũi, đuôi mắt và hai mi.
– Nên để mắt cách đầu lọ thuốc nhỏ khoảng 1-2 cm, tránh để đầu lọ thuốc nhỏ mắt chạm vào mi mắt gây nhiễm khuẩn lọ thuốc nhỏ.
– Với thuốc nhỏ mắt bình thường như Natri Clorid 0.9%, có thể nhỏ 3 – 5 lần mỗi ngày. Với những loại thuốc nhỏ mắt chuyên trị, cần nhỏ theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên khi phải nhỏ 3-4 loại thuốc khác nhau thì làm thế nào? Đầu tiên không nên nhỏ cùng lúc, vì sẽ làm pha loãng thuốc và làm thuốc sau rửa trôi thuốc trước. Vì thế mỗi thuốc nhỏ cách nhau 5 đến 10 phút là đủ.
Đối với thuốc mỡ:
– Cách tốt nhất là nhờ người khác nhỏ, trong khi người bệnh nằm ngửa đầu hoặc tựa đầu vào ghế.
– Dùng ngón tay trỏ và ngón cái, khẽ mở khe mắt của người bệnh, sau đó bóp một dải thuốc mỡ dài 3-5mm vào cùng đồ mi dưới.
– Thả ngón trỏ khỏi mi dưới, ngón cái vẫn giữ mi trên, không cho chớp. Vì mi trên chớp rất nhanh sẽ làm thuốc mỡ dính lên mi và không ngấm được vào mắt. Tra thuốc mỡ phải theo chỉ định của bác sĩ, nhưng để dễ dàng hơn nên tra vào giờ ngủ trưa hoặc tối trước khi đi ngủ, như vậy sẽ đủ thời gian hơn cho thuốc ngấm vào mắt.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt:
– Mỗi lần chỉ cần nhỏ 1 giọt duy nhất, giọt thứ hai thường bị tràn ra ngoài mắt, không những gây lãng phí mà còn làm giảm hiệu quả điều trị.
– Nếu sử dụng song song hai loại thuốc nước và thuốc mỡ, nên sử dụng thuốc nước trước, sau đó khoảng nửa giờ sau mới sử dụng thuốc mỡ để tránh thuốc mỡ ngăn cản sự hấp thu của thuốc nước.
– Sau khi vào mắt, thuốc sẽ qua ống mũi lệ vào mũi họng. Một số loại thuốc với hàm lượng nhỏ cũng dễ gây tác dụng phụ, đặc biệt với trẻ em (thuốc Atropin). Vì thế, sau khi nhỏ thuốc hãy nhắm mắt, dùng ngón trỏ ấn nhẹ vào góc trong mắt ở gần sống mũi (điểm lệ). Ấn trong khoảng 1-2 phút để tạo áp lực giúp giảm lượng thuốc trôi xuống mũi và họng.
Viêm loét giác mạc có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn, virus. Sau khi được bác sĩ nhãn khoa tư vấn điều trị, quý độc giả cũng cần chú ý chăm sóc mắt thật cẩn thận nhé.