Các bệnh gây mù lòa có thể phòng tránh (phần 3)
Series “Các bệnh gây mù lòa có thể phòng tránh” đã đến phần cuối cùng rồi. Matkhoe kính mời quý độc giả cùng tìm hiểu căn bệnh “Thoái hóa điểm vàng tuổi già” nhé.
Table of Contents
1. Thoái hóa hoàng điểm tuổi già
Thoái hóa hoàng điểm tuổi già (AMD) là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến phần thị lực trung tâm của bạn. Bệnh thường ảnh hưởng đầu tiên đến những người ở độ tuổi 50 và 60. Bệnh không gây mù toàn bộ nhưng nó có thể khiến các hoạt động hàng ngày như đọc và nhận dạng khuôn mặt trở nên khó khăn. Nếu không điều trị, thị lực của bạn có thể giảm trầm trọng hơn.
Điều này có thể xảy ra dần dần trong vài năm đối với “AMD thể khô”, hoặc nhanh chóng trong vài tuần hoặc vài tháng với “AMD thể ướt”. Nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được biết. Các nghiên cứu cho thấy AMD có liên quan đến hút thuốc, huyết áp cao, thừa cân và tiền sử gia đình mắc bệnh này.
2. Triệu chứng
Thoái hóa hoàng điểm tuổi già ảnh hưởng đến thị lực trung tâm của bạn. Bệnh có thể xảy ra ở 1 hoặc cả hai mắt.
Triệu chứng đầu tiên thường gây mờ và méo mó hình ảnh. Trường hợp nặng hơn bạn sẽ không nhìn thấy bất kỳ thứ gì ở phần chính giữa hình ảnh. AMD có thể khiến những việc như đọc, xem TV, lái xe hoặc nhận dạng khuôn mặt trở nên khó khăn.
Những triệu chứng khác như nhìn thấy các đường thẳng như gợn sóng hoặc uốn quanh, kích thước vật thể trông nhỏ hơn bình thường, màu sắc có vẻ kém tươi sáng hơn trước đây, nhìn thấy những thứ không có ở đó trước đây (ảo giác).
AMD không gây đau nhức mắt cũng như không ảnh hưởng đến hình dạng của đôi mắt của bạn.
3. Chẩn đoán bệnh AMD
Đôi khi bệnh AMD được phát hiện khi kiểm tra mắt định kỳ tại phòng kính trước khi bạn có các triệu chứng nặng. Tuy nhiên, bạn nên đi khám với bác sĩ nhãn khoa khi có các triệu chứng sau:
– Thị lực giảm đột ngột.
– Có một “bức màn” tối hoặc bóng đen di chuyển qua tầm nhìn của bạn
– Mắt đỏ và đau. Đây không phải là triệu chứng của AMD, nhưng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về mắt khác cần được điều trị ngay.
Tại đây, bạn sẽ được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh và bắt đầu điều trị nếu có bệnh.
Điều gì xảy ra nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh AMD
Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh AMD, bác sĩ chuyên khoa sẽ nói chuyện với bạn về loại bệnh này và bàn bạc với bạn các giải pháp điều trị. Có 2 dạng bệnh: AMD thể khô AMD thể ướt.
4. Điều trị
Điều trị tùy thuộc vào loại AMD bạn mắc phải.
AMD thể khô – không có cách điều trị, nhưng thuốc hỗ trợ thị lực có thể giúp giảm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
AMD thể ướt – bác sĩ sẽ tiêm thuốc chống VEGF – ranibizumab (Lucentis), aflibercept (Eylea) vào mắt thường xuyên và đôi khi phối hợp điều trị bằng liệu pháp quang động, để ngăn thị lực của bạn trở nên tồi tệ hơn.
Cách sống chung với AMD
– Yêu cầu hỗ trợ khi thị lực kém: Bạn nên nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa mắt về những khó khăn trong các hoạt động hàng ngày. Bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích và hỗ trợ thiết thực như:
– Sử dụng kính lúp khi đọc sách.
– Thay đổi cho ngôi nhà của bạn – chẳng hạn như ánh sáng sáng hơn.
– Sử dụng điện thoại có nút to hơn.
– Lắp đặt hệ thống báo động kêu gọi hỗ trợ khi cần thiết.
– Thiết lập lối sống khỏe mạnh:
– Chế độ ăn uống cân bằng
– Tập thể dục thường xuyên
– Giảm cân nếu bạn thừa cân
– Ngừng hút thuốc nếu bạn hút thuốc.
– Lái xe sẽ không an toàn, bạn nên ngừng lái.
– Theo dõi và kiểm tra mắt định kỳ: Giữ liên lạc với bác sĩ mắt và thông báo những triệu chứng mới cũng như bàn bạc với bác sĩ về hướng điều trị về tình trạng bệnh của bạn.
Cám ơn quý độc giả đã cùng theo dõi với Mắt Khỏe hai phần qua. Bài hôm nay là bài cuối trong series “Các bệnh gây mù lòa có thể phòng tránh”. Hy vọng chuỗi series này đã cung cấp thêm một số kiến thức về những bệnh về mắt nguy hiểm nhưng phòng tránh được.