Đừng chủ quan với bệnh viêm kết mạc dị ứng
Một trong những bệnh ít được chú ý nhưng lại khá phổ biến ở mắt là bệnh viêm kết mạc dị ứng. Hãy cùng Mắt Khỏe tìm hiểu một số thông tin về bệnh viêm kết mạc dị ứng như tác nhân gây bệnh và cách điều trị bệnh như thế nào nhé.
Table of Contents
1. Bạn có biết những tác nhân nào gây ra viêm kết mạc dị ứng?
Đối tượng hay gặp bệnh viêm kết mạc dị ứng:
Viêm kết mạc dị ứng có thể xảy ra mọi lứa tuổi , xuất hiện ở cả nam và nữ. Tỉ lệ mắc bệnh ước tính là 15%-20% toàn dân số.
Nguyên nhân gây viêm kết mạc dị ứng:
Viêm kết mạc dị ứng là một phản ứng dị ứng thường do các nguyên nhân trong nhà hay ngoài trời như phấn hoa, bào tử nấm, con mạt nhà và lông thú cưng…
Các chất kích ứng khác như: bụi bẩn, khói bụi, hóa chất, clo… cũng có thể gây sưng hay đỏ mắt. Virus hay vi khuẩn cũng có thể gây tình trạng kích ứng mắt tương tự. Một số thuốc hay mỹ phẩm cũng gây ra triệu chứng dị ứng ở mắt. Nhưng các phản ứng này không phải là phản ứng dị ứng.
2. Xét nghiệm dị ứng có cần thiết để tìm nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng?
Chẩn đoán viêm kết mạc dị ứng thường dựa vào tiền sử và khám lâm sàng nên các xét nghiệm dị ứng thường không cần thiết. Ngoài ra các nguyên nhân gây dị ứng thường phổ biến và phương pháp điều trị cũng thường giống nhau bất kể là nguyên nhân khác nhau.
3. Những triệu chứng giúp phân biệt viêm kết mạc dị ứng?
Các triệu chứng của viêm kết mạc dị ứng bao gồm: ngứa mắt, đỏ mắt, cảm giác bỏng, rát mắt, chảy nước mắt, sưng mi mắt, cảm giác có dị vật trong mắt.
Triệu chứng khác: chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi, ho, đau đầu do viêm xoang. Một vài bệnh nhân có dấu hiệu giảm thị lực trong thời gian ngắn, mất tập trung, làm việc không hiệu quả và mệt mỏi.
4. Điều trị viêm kết mạc do dị ứng
Lựa chọn đầu tiên là tránh tiếp xúc tác nhân gây dị ứng mắt. Sau đó, bệnh nhân nên xem xét sử dụng các phương pháp sau:
– Dùng nước muối sinh lý hay nước mắt nhân tạo (nên bảo quản trong tủ lạnh) giúp làm loãng và rửa trôi các tác nhân dị ứng
– Chườm lạnh 2-3 lần/ngày
– Ngừng kính áp tròng cho đến khi các triệu chứng biến mất hoàn toàn. Sau khi điều trị thuốc nhỏ điều trị tại mắt nên đợi sau 24 giờ kết thúc điều trị mới sử dụng lại kính áp tròng
– Cần thăm khám bác sĩ nếu bệnh không giảm khi sử dụng các phương pháp trên.
– Trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc dị ứng: hầu hết trẻ em bị viêm kết mạc dị ứng không ảnh hưởng đến chức năng thị giác. Tuy nhiên, các biến chứng có thể xảy ra khi dụi mắt quá nhiều, sử dụng corticoides không theo toa bác sĩ.
5. Cách phòng ngừa viêm kết mạc do dị ứng
– Lựa chọn đầu tiên và tốt nhất là tránh tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng.
– Không dụi mắt.
– Thường xuyên rửa tay với xà bông và nước sạch.
– Giặt khăn trải giường, chăn, bao gối trong nước nóng và xà bông để giảm chất gây dị ứng.
– Hạn chế thú cưng trong phòng ngủ để giảm chất gây dị ứng, chải lông thường xuyên. Nếu đến nhà có thú cưng nên uống 1 viên kháng histamin 1 giờ trước đó giúp giảm các triệu chứng.
– Đeo kính râm, đội mũ rộng vành để tránh phấn hoa bay vào mắt
– Đóng cửa sổ trong những mùa có nhiều phấn hoa và nấm
– Sử dụng máy lọc không khí có bộ lọc giảm tác nhân gây dị ứng trong xe hơi và nhà ở.
Việc điều trị viêm kết mạc dị ứng sẽ gắn liền với việc tránh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, nếu bệnh viêm kết mạc dị ứng vẫn không cải thiện và gây cản trở cho cuộc sống của bạn, lập tức liên hệ với bác sĩ nhãn khoa nhé.