Viêm kết mạc mắt có thể dẫn đến mù không?
Viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ là nhiễm trùng mắt phổ biến nhất, xảy ra do viêm, nhiễm trùng ở kết mạc (là lớp màng mỏng trong suốt che phủ mặt trong mi mắt và bề mặt nhãn cầu).
Viêm kết mạc thường không khó điều trị, có thể phòng tránh và thường không ảnh hưởng đến thị lực. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan và xem thường bệnh lý này vì đôi khi có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm.
Table of Contents
1. Các triệu chứng của viêm kết mạc
Viêm kết mạc có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên mắt. Những triệu chứng cảnh báo viêm kết mạc bạn cần biết:
– Cộm mắt, cảm giác như có vật gì trong mắt
– Ngứa mắt
– Chảy nước mắt
– Chói mắt, nhạy cảm với ánh sáng
– Đỏ mắt
– Mắt có nhiều dử (ghèn): là dịch tiết ở mắt, có thể có màu xanh, vàng (thường do vi khuẩn) hoặc trong, dai và dính (do virut hoặc do dị ứng)
– Phù mi, có thể có lớp màng ở mặt trong của mi mắt, chảy dịch hồng
Nếu bệnh nặng lên dẫn đến biến chứng viêm giác mạc, người bệnh có thể thấy đau mắt, cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ.
Ngoài ra, một số trường hợp có thể kèm theo các triệu chứng toàn thân khác như: sốt, ho, sổ mũi, nổi hạch.
2. Phân loại viêm kết mạc theo nguyên nhân gây bệnh
2.1. Viêm kết mạc do nhiễm trùng
– Do virus: đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Trong đó phần lớn viêm kết mạc gây ra bởi adenovirus, bệnh rất dễ lây lan thành dịch. Ngoài ra, viêm kết mạc còn có thể do các virut khác như Herpes, varicella-zoster …
– Do vi khuẩn: thường do tụ cầu, Streptococcus pneumonia hoặc Haemophilus … Bệnh cũng dễ lây từ người này sang người khác. Mắt thường có nhiều dử dạng mủ xanh hoặc vàng. Bệnh có thể dẫn đến các tổn thương, biến chứng nặng nếu không được điều trị đúng cách.
2.2. Viêm kết mạc do dị ứng
Có thể gây ra bởi các tác nhân gây dị ứng như: phấn hoa, lông động vật, hoá mỹ phẩm … Bệnh có thể xuất hiện theo mùa, hay tái phát và không lây lan. Nếu bị viêm kết mạc do dị ứng, bạn có thể cảm thấy ngứa mắt, phù mi kèm theo viêm mũi dị ứng, tiết tố mắt thường trong và dính.
3. Cách phòng tránh viêm kết mạc
Viêm kết mạc do virut, vi khuẩn có thể lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với chất tiết (ghèn, dử) từ mắt người bệnh hoặc qua các vật dụng trung gian (khăn, chậu…); đôi khi cũng có thể lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần. Vì vậy, chúng ta có thể phòng tránh viêm kết mạc bằng các biện pháp sau:
– Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh.
– Dùng riêng khăn, chậu rửa mặt.
– Đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người bệnh hoặc khi ra nơi đông người.
– Khi đi đường bụi phải đeo kính, tránh day dụi mắt.
– Sử dụng kính áp tròng có nguồn gốc rõ ràng, đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
4. Viêm kết mạc có thể dẫn đến mù không? Làm thế nào để phòng biến chứng nặng của viêm kết mạc?
Hầu hết các trường hợp viêm kết mạc đều diễn biến nhẹ, đáp ứng tốt với điều trị, thường khỏi mà không để lại di chứng. Tuy nhiên, viêm kết mạc có thể lây lan tạo thành các vụ dịch lớn, nguy hiểm như viêm kết mạc dịch năm 2013 xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước gây xáo trộn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Một số ít viêm kết mạc do các tác nhân nhất định hoặc do điều trị không đúng cách có thể diễn biến nặng dẫn đến biến chứng viêm giác mạc; thậm chí loét, thủng giác mạc dẫn đến mù loà . Đặc biệt, viêm kết mạc do lậu cầu (có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh do lây nhiễm từ mẹ) là hình thái viêm kết mạc tiến triển nhanh, nặng nề, có nguy cơ gây tổn hại giác mạc và nội nhãn, để lại nhiều di chứng và có thể dẫn đến mù.
Để phòng biến chứng nặng của viêm kết mạc, chúng ta cần chú ý:
– Không tự ý mua các loại thuốc tra mắt hoặc dùng thuốc của người khác mà không có chỉ định của bác sĩ. Một số người bệnh bị viêm kết mạc dị ứng đã tự ý mua các loại thuốc tra mắt có chứa corticoid (polydexa, neodexa, poly-pred) và sử dụng kéo dài dẫn đến các biến chứng trầm trọng ảnh hưởng đến thị lực, thậm chí mù vĩnh viễn do tác dụng phụ của thuốc (glôcôm, đục thể thuỷ tinh, làm nặng thêm tình trạng loét giác mạc …)
– Không dùng các biện pháp dân gian để chữa viêm kết mạc (đắp lá trầu, nhỏ sữa mẹ …).
– Cần khám chuyên khoa mắt ngay nếu bệnh không thuyên giảm sau 5-7 ngày hoặc có các triệu chứng nặng (đau nhức, sợ ánh sáng, nhìn mờ).
– Đối với trẻ nhỏ và đặc biệt là trẻ sơ sinh, khi có các biểu hiện của viêm kết mạc, cần đưa trẻ đến thăm khám, điều trị tại các cơ sở chuyên khoa mắt.
5. Điều trị viêm kết mạc
Viêm kết mạc do virut thông thường có thể tự khỏi trong vòng 7–14 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp viêm kết mạc nghiêm trọng gây ra bởi một số loại virut (herpes simplex, varicella-zoster), việc điều trị là cần thiết để tránh các biến chứng nguy hiểm. Thuốc điều trị trong những trường hợp này chủ yếu là thuốc kháng virut tại chỗ (thường là dạng mỡ tra mắt) và toàn thân. Bên cạnh đó, có thể có thêm các biện pháp điều trị hỗ trợ bao gồm vệ sinh mắt, chườm mát, tra nước mắt nhân tạo, kháng sinh phòng bội nhiễm.
Đối với viêm kết mạc do vi khuẩn, bác sĩ thường kê các loại thuốc tra mắt có chứa kháng sinh. Kháng sinh giúp giảm thời gian nhiễm trùng, giảm biến chứng và giảm lây truyền bệnh cho người khác. Trong trường hợp viêm kết mạc nặng do một số loại vi khuẩn nhất định (lậu cầu, Chlamydia…), có thể phải sử dụng thêm kháng sinh đường toàn thân (uống hoặc tiêm).
Viêm kết mạc do dị ứng thường được cải thiện bằng cách loại bỏ hoặc giảm tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng (phấn hoa, lông động vật) khỏi môi trường sinh sống. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống dị ứng và thuốc nhỏ mắt khác như nước mắt nhân tạo để giảm bớt các triệu chứng cho người bệnh.
Trên đây là những chia sẻ của Mắt Khỏe về bệnh lý Viêm kết mạc, các đặc điểm cần lưu ý, nguyên nhân gây bệnh và biện pháp điều trị cho từng nguyên nhân. Hy vọng sẽ giúp bạn phần nào hiểu thêm về bệnh lý viêm kết mạc, từ đó góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe đôi mắt cho chính bạn và gia đình.