Độ cận cao và quá cao có mổ mắt cận được không?
Hai yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện và gia tăng của cận thị đó là: yếu tố di truyền, yếu tố môi trường. Theo một nghiên cứu ở học sinh đầu cấp hai tại nội và ngoại thành của TP. HCM thì tỉ lệ các em bị cận thị ở cùng cấp lớp của các em ở nội thành cao hơn ở ngoại thành và ngay trong nội thành thì tỉ lệ cận thị của các em ở lớp chuyên sẽ cao hơn các em ở lớp thường. Điều này nói lên là: thời gian và cường độ làm việc gần có ảnh hưởng đáng kể đến việc xuất hiện và gia tăng cận thị.
Cũng theo lý luận trên thì trong điều kiện của xã hội hiện đại khi các em dành nhiều thời gian cho học tập và học thêm cộng với việc giải trí là: xem phim và chơi game nhưng ít có các hoạt động ngoài trời. Điều này là những yếu tố môi trường tác động không nhỏ lên hệ thống thị giác.Những hoạt động thị giác nhìn gần càng căng thẳng, kéo dài thiếu nghỉ ngơi có thể làm cận thị xuất hiện và phát triển.
Các giải pháp khắc phục độ cận:
– Đeo kính gọng: dễ thay đổi khi thay đổi độ.
– Đeo kính áp tròng (kính tiếp xúc): tính thẩm mỹ tốt, có thể thay đổi khi độ thay đổi, cần phải vệ sinh tốt, tuân thủ điều trị để tránh bị nhiễm trùng mắt.
– Phẫu thuật điều trị tật khúc xạ bằng laser bề mặt PRK, LASIK, Femto-LASIK, SMILE có độ chính xác cao, giải quyết được vấn đề thẩm mỹ và tiện lợi cho cuộc sống.
– Phẫu thuật khúc xạ nội nhãn: lấy thuỷ tinh thể đặt thuỷ tinh thể nhân tạo (Phaco), giữ nguyên thủy tinh thể đặt thuỷ tinh thể nhân tạo (Phakic), điều chỉnh được độ cận loạn cao hoặc giác mạc mỏng mà laser không giải quyết được.
Table of Contents
1. Độ cận cao là gì?
1.1. Cận thị là gì?
Mắt người được ví như máy ảnh, hình ảnh rõ nét khi ảnh của vật hội tụ ở võng mạc. Nếu hình ảnh hội tụ trước võng mạc được gọi là cận thị. Tật khúc xạ là tình trạng mà hình ảnh của vật không hội tụ đúng trên võng mạc. Tật khúc xạ bao gồm: cận thị, viễn thị và loạn thị. Loạn thị có thể phối hợp với cận hoặc viễn thị mà người ta thường gọi là cận loạn hoặc viễn loạn. Trong các loại tật khúc xạ nêu trên thì cận thị là phổ biến nhất. Cận thị xảy ra khi hình ảnh của vật hội tụ phía trước của võng mạc. Khi đưa vật lại gần mắt thì ảnh sẽ lùi về sau. Khi ảnh lùi về đúng võng mạc thì bệnh nhân nhìn rõ. Do vậy, mắt cận thị chỉ nhìn rõ khi vật gần mắt.
1.2. Độ cận cao
Có nhiều loại cận thị và cận thị được phân loại theo độ như sau:
– Cận nhẹ (< -3.00D)
– Cận trung bình (từ -3.00D đến -6.00D)
– Cận nặng (> -6.00D)
Cận thị bệnh lý hay cận thị nặng có độ cận > -6.00D. Đây là loại cận thị có kèm theo thoái hóa võng mạc (màng thần kinh cảm thụ ánh sáng của mắt – được xem như phim của máy chụp ảnh).
Tác hại của độ cận cao: cận thị nặng có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm cho mắt như:
– Đục thuỷ tinh thể
– Bong võng mạc do lỗ rách võng mạc chu biên
– Lỗ hoàng điểm có hay không kèm theo bong võng mạc
– Tách lớp hoàng điểm cận thị
– Biến dạng quanh gai thị
– Hoàng điểm dạng vòm
– Mỏng hắc mạc, củng mạc
– Tân mạch hắc mạc
– Glaucoma (tăng nhãn áp)
2. Độ cận cao có thể mổ mắt cận được không?
Mục đích của phẫu thuật là điều chỉnh tật khúc xạ để không phải đeo kính gọng hoặc kính áp tròng, không ngăn ngừa hay điều trị được các biến chứng của cận thị gây ra. Cho dù có phẫu thuật khúc xạ, vẫn phải theo dõi định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng do cận thị nặng.
Phương pháp cho độ cận thấp và độ cận cao nhưng có chiều dày giác mạc tốt tương ứng: laser excimer hoặc laser femtosecond
Phương pháp cho độ cận cao hoặc độ cận trung bình nhưng giác mạc quá mỏng: đặt kính nội nhãn
– Phakic ICL hay PICL: giữ nguyên thuỷ tinh thể và đặt thêm vào phía trước thuỷ tinh thể một kính nội nhãn, mục đích là giải quyết hết độ cận và loạn thị nhưng vẫn bảo tồn khả năng điều tiết cho bệnh nhân
– Phaco tán nhuyễn thuỷ tinh thể: thay thế thuỷ tinh thể của bệnh nhân bằng thuỷ tinh thể nhân tạo
3. Khi nào được chỉ định mổ mắt cận độ cao?
Khi độ cận đã ổn định: tăng không quá 0.50 D trong vòng 1 năm.
Từ 21 đến 45 tuổi: BN trẻ dưới 21 tuổi thường thường độ khúc xạ còn thay đổi nhiều. Trong khi đó, BN trên 45 tuổi đa số đã có lão thị, kính không còn phát huy được ưu điểm giữ nguyên điều tiết cho BN
Đối với người trên 45 tuổi có cận thị cao, phương pháp phẫu thuật phù hợp là thay thuỷ tinh thể bằng thuỷ tinh thể nhân tạo. Có thể dùng các loại thuỷ tinh thể nhân tạo đa tiêu để hạn chế phải sử dụng kính khi nhìn gần.
Bất cứ loại phẫu thuật khúc xạ nào cũng chỉ giải quyết được độ khúc xạ bệnh nhân đang có, không thể phòng ngừa tăng độ. Do đó, cận thị vẫn có thể tiếp tục tăng nhất là cận thị cao, cận thị bệnh lý. Yếu tố chính để hạn chế tăng độ sau phẫu thuật là có độ khúc xạ đã ổn định trước phẫu thuật.
Trải qua quá trình thăm khám, đo các thông số trên mắt rất chi tiết giúp bác sĩ quyết định phẫu thuật có an toàn hay không, chọn loại kính phù hợp cho từng bệnh nhân.
Qua bài viết, Mắt Khỏe hy vọng quý độc giả có thêm thông tin về độ cận cao có mổ mắt cận được không. Hiện tại, có rất nhiều phương pháp hiện đại trong ngành nhãn khoa. Tuy nhiên, để xác định được chính xác phương pháp nào phù hợp, bệnh nhân nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn cụ thể.