Cận thị cao và cận thị bệnh lý có phẫu thuật bỏ kính được không?

Cận thị cao và cận thị bệnh lý có phẫu thuật bỏ kính được không?

Cận thị là một loại tật khúc xạ phổ biến nhất. Tật cận thị hay còn gọi là tật nhìn gần do ảnh của vật ở xa khi vào mắt sẽ hội tụ tài một điểm phía trước võng mạc (trên mắt không điều tiết). Cận thị cao (high myopia) là khi độ cận từ -6.00D trở lên. Trong thời gian gần đây, tỷ lệ cận thị trên toàn thế giới nói chung và đặc biệt ở Việt Nam nói riêng đang tăng rất nhanh, khiến cho cận thị thực sự trở thành một vấn đề sức khỏe cần được quan tâm.

Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như nhiều nghiên cứu đưa ra, tại thời điểm 2010, tỷ lệ cận thị chiếm khoảng 28% dân số thế giới tương ứng với 1,9 tỷ người, trong đó cận thị cao chiếm 3% tương ứng với 205 triệu người. Dự đoán đến năm 2050, tỷ lệ cận thị ở khu vực Đông Á có thể tăng lên đến 52% dân số (khoảng 5 tỷ người trên toàn thế giới), trong đó cận thị cao chiếm 10% (khoảng 911 triệu người)

1. Khái niệm

Cận thị bệnh lý (Pathologic Myopia) là loại cận thị cao gây ra giảm hoặc mất thị lực mặc dù đã được chỉnh kính tối ưu, có liên quan đến biến chứng như bệnh lý hoàng điểm do cận thị, thoái hóa võng mạc cận thị, bong võng mạc, đục thể thủy tinh, glaucoma… Mặc dù tỷ lệ mắc cận thị bệnh lý chiếm tỷ lệ khá thấp trong dân số nói chung, tuy nhiên nó lại là nguyên nhân chính gây mù lòa hoặc khiếm thị cho cả người châu Á và người phương Tây. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ cận thị bệnh lý chiếm 28,7% số người bị cận thị cao. Dựa trên dự báo tỷ lệ cận thị cao đến năm 2050 thì số mắc cận thị bệnh lý có thể tăng trên 200 triệu người.

2. Cận thị cao và cận thị bệnh lý có phẫu thuật bỏ kính được không?

Phẫu thuật cận thị chia làm 3 loại: Laser trên giác mạc, Phakic IOL: đặt kính vào trong nội nhãn (thể thủy tinh tự nhiên giữ nguyên), Phaco IOL: lấy thể thủy tinh và đặt thể thủy tinh nhân tạo. Tùy thuộc vào tuổi, mức độ cận thị, các chỉ số trắc đạc nhãn cầu và điều kiện chi trả của bệnh nhân để quyết định lựa chọn phương pháp phẫu thuật tối ưu cho từng bệnh nhân.

Chỉ định chung 

– Tuổi từ 18 trở lên

– Độ ổn định khúc xạ ít nhất 1 năm

– Thị lực sau khi chỉnh kính tăng ít nhất 2 dòng so với thị lực không kính

– Người bệnh đã ngừng đeo kính áp tròng ít nhất 1 tuần (riêng với kính OrthoK thời gian ngừng kính có thể kéo dài hơn thậm chí 3 tháng)

Chống chỉ định chung

– Đang có bệnh lý khác của nhãn cầu (Viêm GM, Viêm MBĐ, Glaucoma, bong VM).

– Giác mạc chóp, tiền lâm sàng giác mạc chóp

– Tiền sử bệnh dẫn đến bệnh GM do thần kinh Herpes zoster, Herpes simplex, tiểu đường không kiểm soát được)

– Đang dùng các nội tiết tố sinh dục (vd: thuốc ngừa thai)

– Đang mang thai hoặc cho con bú

– Hở mi

3. Phương pháp phẫu thuật

3.1. Phương pháp Laser trên giác mạc

Phương pháp Laser trên giác mạc
Phương pháp Laser trên giác mạc

Có thể điều trị cho độ cận đến -10.00D, tuy nhiên chống chỉ định trong các trường hợp: giác mạc mỏng (trước điều trị dưới 475 µm hay sau điều trị laser giác mạc nền còn dưới 280 µm), khô mắt.

3.2. Phương pháp Phakic IOL

Phương pháp Phakic IOL
Phương pháp Phakic IOL

Có thể điều trị cho bất kỳ độ cận cao thậm chí tới -20.00D, tuy nhiên tuổi phải dưới 40, độ sâu tiền phòng >3mm, số lượng tế bào nội mô tốt nhất >2300TB/mm2 (>2500TB/mm2 nếu tuổi trên 21), góc tiền phòng >300, kích thước đồng tử trong tối <5-6mm, nhãn áp <21mmHg. Có thể điều trị cho những trường hợp cận thị có giác mạc mỏng không điều trị được bằng phương pháp Laser trên giác mạc.

3.3. Phương pháp Phaco IOL

Phương pháp Phaco IOL
Phương pháp Phaco IOL

Có thể điều trị cho bất kỳ độ cận cao thậm chí tới -20.00D, tuy nhiên tuổi phải trên 50. Có thể điều trị cho những trường hợp cận thị có giác mạc mỏng không điều trị được bằng phương pháp Laser trên giác mạc.

Quý độc giả đã cùng Mắt Khỏe biết thêm về khái niệm cận thị bệnh lý và các phương pháp hiện nay dùng để điều trị bệnh. Để được tư vấn chính xác nhất về tình trạng bệnh của mình, kính mời quý độc giả thăm khám bác sĩ nhãn khoa.