Các phương pháp dự phòng và điều trị tật khúc xạ – cận thị
Tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị đang ngày càng có xu hướng tăng. Đặc biệt là cận thị ở giới trẻ. Kính mời quý độc giả cùng tìm hiểu các phương pháp dự phòng và điều trị tật khúc xạ: Cận thị trong bài viết dưới đây.
Table of Contents
1. Định nghĩa cận thị
1.1. Mắt chính thị
Mắt chính thị là mắt có cấu tạo hài hòa giữa chiều dài trục trước sau và công suất hội tụ của mắt. Khi nhìn một vật ở vô cực (về quang sinh lý là 5m), các tia sáng song song từ vô cực tới mắt sẽ hội tụ trên võng mạc. Hay nói cách khác mắt chính thị có tiêu điểm sau (F) trùng với võng mạc. Khi đó mắt sẽ nhìn rõ nét vật.
1.2. Cận thị
Mắt không chính thị (tật khúc xạ) là sự khiếm khuyết giữa chiều dài trục trước sau và công suất hội tụ của mắt. Mắt không chính thị được chia làm hai loại: mắt không chính thị hình cầu (gồm cận thị và viễn thị), mắt không chính thị không hình cầu (hình trụ) là tật loạn thị.
Mắt cận thị có tiêu điểm sau ở phía trước võng mạc. Các tia sáng từ vô cực tới mắt hội tụ lại ở điểm F trước võng mạc. Viễn điểm là điểm thực, ở trước nhãn cầu. Cận điểm ở gần mắt hơn do đó mắt cận thị không nhìn rõ các vật ở xa, thị lực nhìn xa bao giờ cũng dưới 10/10.
1.3. Nguyên nhân:
Về mặt quang học có 2 nguyên nhân:
– Trục nhãn cầu quá dài: loại cận thị này được gọi là cận thị trục.
– Công suất khúc xạ của quang hệ mắt cao. Loại cận thị này được gọi là cận thị khúc xạ hay cận thị chỉ số khúc xạ.
– Căn nguyên của cận thị: nhiều nghiên cứu gợi ý rằng cận thị nhẹ và cận thị trung bình có thể di truyền nhiều gen. Cận thị nặng có thể di truyền một gen trong một số trường hợp, nhiều nghiên cứu gợi ý kiểu di truyền trội lặn, và đôi khi liên kết giới tính.
Cận thị đơn thuần
– Có độ cận < -6D và không có tổn thương ở đáy mắt, thường bắt đầu ở tuổi đi học (khoảng từ 6 đến 18 tuổi).
2. Triệu chứng
– Nhìn xa không rõ.
– Nheo mắt cố gắng nhìn rõ là triệu chứng thông thường nhằm để nhìn vật cho rõ hơn. Cố gắng nheo mắt đôi khi dẫn tới triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu và kích thích mí.
– Cầm sách đọc quá gần mắt trong trường hợp cận thị ở mức độ khá cao.
– Đáy mắt hoàn toàn bình thường.
3. Yếu tố nguy cơ
– Thói quen sử dụng thị giác gần, bắt buộc mắt điều tiết quá độ trong thời gian dài.
– Chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng.
– Sự suy yếu cơ thể do trẻ đọc nhiều, xem nhiều, học nhiều.
– Ít có thời gian vui chơi ở không gian rộng, không khí thoáng.
– Lực điều tiết của mắt: khi mắt nhìn gần phải huy động lực điều tiết rất mạnh. Nếu sử dụng mắt nhìn gần thường xuyên mắt phải điều tiết liên tục tạo thành thói quen điều tiết. Khi đó sử dụng thị lực xa sẽ không rõ lâu dần trở thành cận thị.
4. Giải pháp dự phòng
– Học tập và làm việc trong môi trường đầy đủ ánh sáng, để mắt đúng tầm nhìn.
– Phải có thời gian nghỉ giải lao ngoài trời kết hợp với sinh hoạt thể thao và chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau xanh (rau có màu lục đậm, đỏ cam…), trái cây tươi, cá… chỉ tránh dùng các thực phẩm đã từng gây dị ứng cho bản thân.
– Đặc biệt khi phải nhìn gần, đọc sách, báo, vi tính, nhiều phải có thời gian để mắt nghỉ ngơi (mỗi 15-20 phút phải nhắm mắt để cho mắt nghỉ ngơi, không được để đến khi mắt mệt, mỏi, mờ mới nghỉ ngơi, không nên, sau khi nhắm mắt nghỉ nên nhìn rõ vào một vật ở xa cách mình 4-5m để cho mắt thư giãn).
5. Điều trị tật khúc xạ
Mục đích của điều trị tật khúc xạ là dùng thấu kính điều chỉnh giúp ánh sáng tới song song để cho ánh sáng có vẻ như tới từ viễn điểm trong một cận thị. Sau đó, quang hệ mắt sẽ hội tụ ánh sáng đúng trên võng mạc. Như thế, một nguyên tắc quan trọng là viễn điểm của mắt phải trùng với tiêu điểm của thấu kính điều chỉnh.
Một số phương pháp điều trị cận thị hiện nay gồm:
5.1. Đeo kính gọng
Đây là giải pháp thông dụng nhất, ít tốn kém nhất để điều chỉnh tật cận thị. Người bị cận thị thường sử dụng thấu kính phân kỳ. Tuy nhiên kính gọng sẽ đem lại những bất tiện cho người sử dụng như: Ít tham gia được các hoạt động thể thao mạnh, tầm nhìn bị mờ khi trời mưa. Thêm vào đó, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không điều trị triệt để và chỉ có thể sử dụng được trong một thời gian nhất định, phải thay kính mới khi độ cận tăng.
5.2. Đeo kính áp tròng
Kính áp tròng mềm cũng là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Ưu điểm của kính áp tròng là thẩm mỹ cao, nhược điểm là có thể bị dị ứng với kính áp tròng nếu mắt mẫn cảm, mắt dễ bị khô. Ngoài ra, kính áp tròng không được vệ sinh đúng cách có thể gây viêm nhiễm mắt. Bệnh nhân phải thay kính khi hết hạn sử dụng và chi phí mỗi lần thay kính tương đối cao.
5.3. Chỉnh hình giác mạc tạm thời bằng Ortho K
Phương pháp này sử dụng để trị cận thị cho người chưa đủ tuổi phẫu thuật (dưới 18 tuổi) hoặc người không muốn phẫu thuật. Ortho K là kính áp tròng ban đêm, khử độ cận tạm thời bởi khả năng chỉnh hình giác mạc. Tuy nhiên khi ngừng sử dụng, giác mạc sẽ dần quay về trạng thái cong ban đầu, không điều chỉnh triệt để được tật khúc xạ cận thị. Thêm vào đó, phương pháp này còn có nhược điểm là ít hiệu quả với độ cận nặng, chỉ có tác dụng tạm thời, giá kính Ortho K đắt đỏ và vẫn có khả năng bị viêm nhiễm mắt.
5.4. Phẫu thuật tật khúc xạ
Ưu điểm là hiệu quả đem lại tốt, độ an toàn cao, thời gian phục hồi sau phẫu thuật ngắn và có thể điều trị triệt để tật khúc xạ. Tuy nhiên giá cả phẫu thuật còn cao và nhiều người còn e ngại đối với việc động “dao kéo” ở vùng mắt.
5.5. Phẫu thuật Phakic
Phương pháp này còn gọi là đặt kính nội nhãn, thường áp dụng cho những bệnh nhân có độ cận cao nhưng không đủ điều kiện phẫu thuật khúc xạ. Nhược điểm là có nguy cơ tăng nhãn áp, có khả năng viêm nhiễm, thời gian phục hồi lâu hơn phương pháp phẫu thuật khúc xạ.
5.6. Phẫu thuật thay thủy tinh thể
Phương pháp cuối cùng trong điều trị tật khúc xạ này chỉ được chỉ định khi bệnh nhân có độ cận quá cao, không thể phẫu thuật bằng các phương pháp khác.
Với rất nhiều phương pháp dự phòng và điều trị cận thị hiện nay, các bạn trẻ không cần phải quá lo lắng cận thị sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống. Trong trường hợp các bạn không muốn đeo kính, vẫn có những phương pháp phẫu thuật đem lại hiệu quả tốt.