Ánh sáng xanh ảnh hưởng đến đôi mắt của bạn như thế nào?

Ánh sáng xanh ảnh hưởng đến đôi mắt của bạn như thế nào?

Có thể nói rằng hầu hết chúng ta đều dành nhiều thời gian để nhìn chăm chú vào màn hình. Tivi, điện thoại thông minh đến máy tính bảng và máy chơi game, hầu hết chúng ta đều dán mắt vào các thiết bị điện tử  và điều đó có thể gây hại cho mắt. Ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử có liên quan đến một số vấn đề như mờ mắt, mỏi mắt, khô mắt, thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể. Một số người còn gặp vấn đề về giấc ngủ. Đây là những gì bạn cần biết về ánh sáng xanh:

1. Ánh sáng xanh là gì?

Ánh sáng xanh là một phần của quang phổ ánh sáng: Đỏ, cam, vàng ,lục, lam, chàm, tím,  khi kết hợp nhau chúng tạo ra ánh sáng trắng mà mắt người có thể nhìn thấy. Ánh sáng xanh có bước sóng trong phạm vi 380 đến 500 nanomet, là ánh sáng có bước sóng ngắn nhất và năng lượng cao nhất. Khoảng một phần ba tất cả ánh sáng nhìn thấy được là ánh sáng năng lượng cao-ánh sáng “xanh lam”. 

Một số nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa tổn thương mắt và ánh sáng xanh có bước sóng từ 415 đến 455 nanomet. Hầu hết ánh sáng từ đèn LED được sử dụng trong điện thoại thông minh, Tivi và máy tính bảng có bước sóng từ 400 đến 490 nanomet.

Ánh sáng mặt trời là nguồn ánh sáng xanh tự nhiên quan trọng nhất.

Các nguồn nhân tạo của ánh sáng xanh bao gồm: bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn huỳnh quang compact (CFL), đèn LED, TV LED màn hình phẳng, màn hình máy tính, điện thoại thông minh và màn hình máy tính bảng.

2. Ảnh hưởng có hại của ánh sáng xanh đến đôi mắt bạn?

Cấu tạo của mắt giúp bảo vệ tia UV:

Ánh sáng xanh gây ảnh hưởng đến mắt
Tác động của ánh sáng xanh đến mắt.

Ánh sáng đi thẳng vào mắt qua giác mạc (cornea), đồng tử (con ngươi), thủy tinh thể (crystalline lens), đến điểm vàng (macula) của mắt.

Giác mạc và thủy tinh thể là 2 bộ phận giúp bảo vệ mắt chúng ta tránh sự tổn hại bởi tia UV (UVA, UVB).

Thủy tinh thể trong suốt trong 3 năm đầu đời và sau đó dần dần phát triển các sắc tố vàng .Đây là một sắc tố bảo vệ, hấp thụ bức xạ UV và tiêu tán năng lượng của nó một cách an toàn. Tuy nhiên càng về già khả năng này càng giảm.

Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh có tốt cho sức khỏe không?

Mức độ tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình là nhỏ so với lượng tiếp xúc từ mặt trời. Tuy nhiên, người ta lo ngại về những ảnh hưởng lâu dài của việc tiếp xúc với màn hình, đặc biệt là với thời gian sử dụng màn hình quá nhiều và khi màn hình quá gần mắt.

Vì cấu tạo mắt không tốt trong việc ngăn chặn ánh sáng xanh, nên gần như tất cả ánh sáng xanh có thể nhìn thấy đều đi qua phần trước của mắt (giác mạc và thủy tinh thể) và đến võng mạc nơi tập trung các tế bào cảm thụ ánh sáng – là các tế bào chuyển đổi ánh sáng cho não để xử lý thành hình ảnh.

Tiếp xúc với ánh sáng xanh kéo dài, theo thời gian có thể dẫn đến:

Hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số: ánh sáng xanh có bước sóng ngắn, năng lượng cao tán xạ dễ dàng hơn các ánh sáng nhìn thấy còn lại. Màn hình máy tính và thiết bị kỹ thuật số phát ra nhiều ánh sáng xanh sẽ làm giảm độ tương phản hình ảnh và có thể góp phần gây ra hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số.

Sự phát triển của công nghệ đã sản sinh ra rất nhiều ánh sáng xanh ở các thiết bị điện tử
Sự phát triển của công nghệ đã sản sinh ra rất nhiều ánh sáng xanh ở các thiết bị điện tử

Khô mắt, tổn thương giác mạc.

Đục thủy tinh thể, ung thư mắt và làm giảm độ trong suốt của phần trắng của mắt, tổn thương các tế bào võng mạc và gây ra giảm thị lực như thoái hóa điểm vàng tuổi già. 

Rối loạn giấc ngủ: Tuyến tùng (ở giữa não bộ) tiết ra melatonin, là một loại hormone giúp điều chỉnh nhịp sinh học. Melatonin được sản xuất theo lượng ánh sáng mà cơ thể tiếp xúc. Tuyến tùng giải phóng một lượng melatonin lớn hơn khi trời tối khiến cơ thể có cảm giác buồn ngủ. Tiếp xúc với ánh sáng xanh trước khi đi ngủ cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ vì nó ảnh hưởng đến thời điểm cơ thể chúng ta tạo ra melatonin.

Ảnh hưởng đến trẻ em

Theo một nghiên cứu tại Mỹ, trẻ em dễ bị tổn thương hơn người lớn vì mắt của chúng hấp thụ nhiều ánh sáng xanh hơn từ các thiết bị kỹ thuật số.

Ngược lại với ánh sáng xanh tự nhiên , khi tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh từ các thiết bị kỹ thuật số vào ban đêm (qua điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính) có thể làm rối loạn chu kỳ thức và ngủ, dẫn đến khó ngủ và mệt mỏi vào ban ngày. 

Trẻ em không tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của mắt và thị lực.

3. Lợi ích của ánh sáng xanh mang đến cho đôi mắt bạn?

Lợi ích của ánh sáng xanh từ mặt trời:

Ánh sáng xanh giúp tăng cường sự tỉnh táo, giúp trí nhớ và chức năng nhận thức, cũng như cải thiện tâm trạng. Nó điều chỉnh nhịp sinh học, chu kỳ thức và ngủ tự nhiên của cơ thể. Ánh sáng mặt trời cũng rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của mắt và thị lực ở trẻ em. Việc tiếp xúc không đủ với ánh sáng xanh gần đây cũng góp phần làm tăng tỉ lệ cận thị ở trẻ em.

Hãy giảm thời gian tiếp xúc với ánh sáng xanh theo quy tắc 20-20-20
Hãy giảm thời gian tiếp xúc với ánh sáng xanh theo quy tắc 20-20-20

4. Những điều cần làm để bảo vệ đôi mắt bạn

Thời gian tiếp xúc màn hình: Nghỉ ngơi theo quy tắc 20-20-20 khi làm việc trên màn hình trong thời gian dài, nghĩa là cứ 20 phút làm việc trên máy tính thì thư giãn mắt trong 20 giây bằng cách nhìn vào một vật nào đó ở khoảng cách 20 feet (6 mét).

Sử dụng bộ lọc: Bộ lọc ánh sáng xanh có sẵn trên điện thoại thông minh, máy tính bảng và màn hình máy tính. Chúng làm giảm lượng ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị này mà không gây ảnh hưởng lên chất lượng hình ảnh.

Đeo kính khi sử dụng máy tính: Nếu bạn dành nhiều thời gian sử dụng thiết bị kỹ thuật số và nhận thấy mỏi mắt do kỹ thuật số, kính lọc ánh sáng xanh có thể hữu ích. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại kính mắt có tròng kính lọc ánh sáng xanh, giúp tăng độ tương phản hình ảnh và giảm nguy cơ hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số. Nếu muốn hiểu hơn về kính này hãy hỏi bác sĩ chuyên khoa mắt của bạn. Tuy nhiên¸việc có nên sử dụng loại kính này không hiện vẫn còn nhiều bàn cãi.

Nên khám mắt định kỳ mỗi năm và thường xuyên hơn ở những người có nguy cơ.