Nhìn mờ

Đột ngột nhìn mờ – Triệu chứng chớ xem thường

Nhìn mờ là một vấn đề thường gặp trong nhãn khoa. Bệnh nhân có thể mô tả triệu chứng của họ là mờ từ từ tăng dần đã lâu, mờ thoáng qua, hoặc tình cờ che một mắt lại mới nhận thấy. Đôi khi bệnh nhân bỏ qua những dấu hiệu trên và không đi khám. Tuy nhiên, mờ mắt đột ngột (hay giảm thị lực cấp tính) có thể là một bệnh lý nặng tại mắt, hoặc liên quan đến bệnh toàn thân mà cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều phải lưu ý!

1. Mờ mắt là gì?

Mắt giúp con người nhìn và nhận thức rõ môi trường xung quanh, nhờ đó mà các hoạt động thường nhật như đi lại, đọc sách báo, chạy xe, đi chợ, xem điện thoại… diễn ra bình thường. Khi hiện tượng mờ mắt xảy ra, cảm giác sẽ giống như có một lớp màng chắn cản trở phía trước, khiến vật xung quanh trở nên không sắc nét và rõ ràng. Mờ mắt có thể xảy ra ở một hoặc hai mắt. Bệnh nhân có khuyết thị trường nhỏ (nhìn mờ 1 vùng) đôi khi cũng miêu tả chung triệu chứng của họ là nhìn mờ.

Triệu chứng nhìn mờ
Triệu chứng nhìn mờ

Nhìn mờ có thể đi kèm với các triệu chứng khác tại mắt hoặc toàn thân: đau đầu, nhạy cảm với ánh sáng, đỏ mắt, ngứa mắt…

2. Các nguyên nhân gây ra nhìn mờ đột ngột

Mờ mắt tiến triển trong thời gian dài có thể do các bệnh lý mãn tính ở mắt như: tật khúc xạ (cận thị, viễn thị), đục thủy tinh thể, lão thị… Mờ mắt thoáng qua thường do các vấn đề về điều tiết, viêm kết mạc hoặc khô mắt (khiến cho nước mắt không thể trải đều lên bề mặt nhãn cầu). 

Tuy nhiên, nhìn mờ đột ngột mà không có tiền sử chấn thương cần lưu ý đến các nguyên nhân sau:

Các nguyên nhân tại mắt

Viêm loét giác mạc

– Glaucoma cấp tính

– Viêm màng bồ đào

– Tắc động mạch võng mạc

– Bong võng mạc

– Các bệnh lý võng mạc gây xuất huyết bên trong mắt như: đái tháo đường, bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già

– Bệnh lý thần kinh thị giác như: viêm thị thần kinh, thiếu máu thị thần kinh…

Ngoài ra, triệu chứng tại mắt cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh toàn thân, đôi khi là một trường hợp cấp cứu:

– Tăng huyết áp cấp tính 

– Đột quỵ

– Chấn thương đầu / U não

– Hạ đường huyết

– Tiền sản giật trên phụ nữ có thai

Một số trường hợp mờ mắt là do tác dụng phụ của các thuốc mà bạn đang sử dụng (corticoid, thuốc kháng lao…)

Nhìn mờ đột ngột là dấu hiệu của lão thị.
Nhìn mờ đột ngột là dấu hiệu của lão thị.

3. Trường hợp nào nhìn mờ cần cấp cứu?

Nhìn chung, hầu hết trường hợp mờ mắt đột ngột đều cần hỗ trợ y tế ngay lập tức, đặc biệt trên những bệnh nhân có đi kèm các triệu chứng khác như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, tê tay, yếu liệt nửa mặt/ nửa bên người, mất thăng bằng, nói lắp… Cần lưu ý những bệnh lý nền như đái tháo đường, cao huyết áp, mang thai… để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và có cách xử trí phù hợp

Nếu thị lực giảm từ từ, có thể đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt!

4. Thăm khám và điều trị:

Trong những trường hợp giảm thị lực đột ngột được xác định không liên quan đến vấn đề cấp cứu toàn thân, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thăm khám và tiến hành điều trị. Việc thăm khám có thể bao gồm nhiều bước trước khi xác định được nguyên nhân: hỏi tiền sử, bệnh sử, đo thị lực, nhãn áp và soi đáy mắt… 

Những trường hợp mờ mắt do tật khúc xạ, có thể đều chỉnh bằng việc đeo kính. Bệnh nhân đôi khi không nhận thức được mình bị mờ mắt đã lâu cho đến khi tình cờ che 1 bên mắt và thấy được sự khác biệt giữa hai bên.

Dùng thuốc điều trị nhìn mờ.
Dùng thuốc điều trị nhìn mờ.

5. Cách phòng tránh mờ mắt:

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến giảm thị lực mà không phải lúc nào chúng ta cũng phòng được. Tuy nhiên, nếu chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như sức khỏe đôi mắt vẫn có thể ngăn ngừa những nguyên nhân liên quan đến lối sống.

Một số gợi ý để giữ cho đôi mắt luôn khỏe:

  • Nên đeo kính bảo vệ đôi mắt trước tia cực tím khi đi ra ngoài trời nắng.
  • Thực hành chế độ ăn cân bằng, giàu dưỡng chất cho mắt: Lutein, một chất chống oxy hóa có nhiều trong các loại rau có lá xanh đậm, như rau chân vịt hay cải xoăn; Các thực phẩm giàu acid béo omega – 3vitamin A. 
  • Có lối sống lành mạnh: Không hút thuốc lá, tập thể dục điều độ, tránh ăn nhiều chất béo… để bảo vệ bản thân trước những bệnh lý nền, đặc biệt là tăng huyết ápđái tháo đường
  • Khám mắt định kỳ, nhất là khi tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý về mắt. Thỉnh thoảng nên tự thử thị lực tại nhà bằng cách che 1 mắt, kiểm tra xem có nhìn mờ hoặc nhìn méo hình hay không
  • Giữ vệ sinh mắt để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Đeo kính bảo hộ khi thực hiện các công việc có nguy cơ xảy ra chấn thương.

Nếu mắt xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng bất thường nào, hãy đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để nhanh chóng xác định nguyên nhân và có những can thiệp điều trị kịp thời.